Lạng Sơn: Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng đồng bào DTTS

(Mặt trận) -Xác định triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lạng Sơn đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương tập trung mọi nguồn lực đầu tư, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Hàm Yên

Lâm Đồng: Hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

MTTQ các cấp tỉnh Lào Cai giám sát để nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các dự án

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG) tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định về việc giao nhiệm vụ, kế hoạch vốn thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh năm 2022.

 Tỉnh Lạng Sơn đang tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi

Theo đó, năm 2022, tổng kế hoạch vốn giao thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 6.649.046 triệu đồng. Kết thúc năm 2022 đã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đạt 90% so với kế hoạch giao. Đã hoàn thành 35/50 km đường đến trung tâm xã, đường liên xã; đầu tư xây dựng 1/1 công trình trạm y tế xã; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 5 trường PTDT nội trú, PTDT bán trú; tổ chức 30/30 lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo dục trường PTDT nội trú, PTDT bán trú; giải ngân cho vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi 8.240 triệu đồng, với 117 hộ để phát triển sản xuất...

Ông Nông Văn Đồng - thôn Nà Phước, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn để sản xuất. Tháng 9/2022, gia đình tôi được vay 100 triệu đồng để phát triển mô hình sản xuất có lãi suất ưu đãi 3,3%/năm, thời hạn vay lên đến 10 năm. Nhờ có vốn nên hiện nay, gia đình tôi đã phát triển mô hình trồng rừng với diện tích 3 ha thông, phát triển chăn nuôi lợn với số lượng 10 con lợn thịt, 5 con trâu. Gia đình tôi rất vui mừng và yên tâm tập trung phát triển kinh tế”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, năm 2022 các chỉ số phát triển nguồn nhân lực DTTS đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra như tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi bậc tiểu học duy trì mức trên 99,9%; Tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,7%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2022 giảm 3,28% so với năm 2021, đạt 109% kế hoạch. Trên địa bàn tỉnh có 10 xã đã hoàn thiện các tiêu chí công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 5 xã nông thôn mới nâng cao; 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu…

Theo ông Vi Minh Tú - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn, Chương trình MTQG DTTS và miền núi đang tạo điều kiện cho vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. Qua triển khai các dự án đã khơi dậy phong trào phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào các DTTS thêm phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất.

Ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng

Mặc dù, Chương trình MTQG DTTS và miền núi, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, kinh tế vùng đồng bào DTTS phát triển còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa theo kịp các vùng khác, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao; hệ thống trường học chuyên biệt (PTDT nội trú, PTDT bán trú) còn hạn chế; việc tuyên truyền về công tác dân tộc, thực hiện các chính sách dân tộc ở một số địa phương hiệu quả chưa cao dẫn đến nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của một bộ phận đồng bào DTTS còn hạn chế.

Xác định năm 2023 là năm bản lề triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh Lạng Sơn đề ra mục tiêu thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên cho các địa bàn còn hạn chế về cơ sở hạ tầng thiết yếu; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tránh sự chồng chéo với các chương trình, kế hoạch khác.

Ông Vi Minh Tú - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết: Năm 2023, tỉnh sẽ chú trọng tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội phục vụ đời sống của đồng bào các DTTS. Trong đó, trọng tâm là các lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực, y tế, văn hóa, du lịch, nước sạch...

Hy vọng với những nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu cụ thể thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình MTQG, từ đó góp phần nâng cao tính chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân; từng bước xóa dần khoảng cách chênh lệch về đời sống giữa vùng đặc biệt khó khăn với các vùng khác trong tỉnh.

Thúy Hồng