Lan tỏa niềm vui lớn

(Mặt trận) -Sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp; xác định nhiệm vụ trọng tâm; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc khi thực hiện Nghị quyết số 27 về “Xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 27) của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã giúp thay đổi tư duy người dân, mang lại cuộc sống ấm no nơi địa đầu Tổ quốc.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Hàm Yên

Lâm Đồng: Hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

MTTQ các cấp tỉnh Lào Cai giám sát để nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc

Hủ tục dần được xóa bỏ

Sau hơn 1 năm Nghị quyết 27 đi vào cuộc sống giúp việc bài trừ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới chuyển biến tích cực; xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, tiêu biểu, như: Huyện Đồng Văn định hướng, vận động đoàn viên, thanh niên tổ chức đăng ký kết hôn tập thể, thành lập các Câu lạc bộ “sức khỏe sinh sản”, “phòng, chống tảo hôn”, “gia đình hạnh phúc”, “gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “phòng, chống mua bán người”, “nông dân phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”. Thành phố Hà Giang tổ chức Hội thi tuyên truyền “Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh”. Huyện Bắc Mê xây dựng mô hình cưới tiết kiệm, gia đình trẻ và thanh niên với việc cưới theo nếp sống mới tại 13/13 xã, thị trấn. Huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần làm tốt công tác vận động mọi người không dự lễ cưới đối với các cặp đôi tảo hôn…

 Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông được thực hiện gọn nhẹ, cắt giảm thời gian so với trước.

Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang có 9.910 cặp đôi đăng ký kết hôn, các đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh, với tinh thần vui tươi, tiết kiệm hơn so với trước; các nghi lễ như: Dạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, lại mặt, đăng ký kết hôn được đơn giản hóa, gọn nhẹ, không phô trương hình thức, không rườm rà, không nặng về lễ vật, cơ bản phù hợp với văn hóa truyền thống của từng dân tộc và điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình; hôn lễ tổ chức trang trọng, phù hợp với thuần phong mỹ tục từng dân tộc; tiệc cưới được tổ chức gọn nhẹ trong phạm vi gia đình, dòng họ và thời gian tổ chức trong ngày; việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống giảm nhiều so với trước, nhiều thôn bản đã xóa bỏ được hủ tục này.

Việc tổ chức tang lễ trong các dân tộc chuyển biến khá rõ nét; đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa. Các hủ tục trong đám tang dần được loại bỏ, không còn hiện tượng mời thầy cúng yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn và thực hiện các thủ tục rườm rà khác; bài cúng của thầy mo, thầy tạo được rút ngắn, những yếu tố mê tín dị đoan dần được loại bỏ; hạn chế việc giết mổ nhiều gia súc trâu, bò, rượu chè linh đình trong nhiều ngày… Đa số các đám tang, thời gian tổ chức tang lễ không quá 48 giờ, thi hài người chết được chôn cất chu đáo, đảm bảo vệ sinh.

Người Mông ở Mèo Vạc có tập tục làm ma khô, không đưa người chết vào áo quan. Đây là thói quen có từ lâu đời và đồng bào Mông trên Cao nguyên đá vẫn duy trì đến ngày nay, gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Để đẩy lùi hủ tục, xã Sủng Trà (Mèo Vạc) là địa bàn được chọn để thực hiện điểm đề án “Đẩy lùi, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”. Qua triển khai, có 75 dòng họ/nhánh dòng họ dân tộc Mông ký cam kết người chết sẽ đưa vào áo quan khi làm tang ma và thực hiện văn minh trong việc tang như: Nhánh dòng họ Mua, họ Thào thôn Lũng Phủa, xã Lũng Chinh; dòng họ Ly và dòng họ Vàng, thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi. Đây là dòng họ từ trước đến nay chưa từng có việc đưa thi thể người chết vào áo quan. Sau khi vận động, gia đình đã chấp hành đưa thi thể người chết vào áo quan và không giết mổ nhiều gia súc.

Anh Lầu Mí Chứ, thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà chia sẻ: “Trước đây, trong thôn gia đình nào có người chết sẽ mang đi chôn lấp đá, không ai cho vào áo quan, mà lại phải mổ nhiều trâu bò nữa. Có gia đình đang khá giả nhưng khi có người chết lại thành hộ nghèo. Bây giờ được nghe vận động thực hiện Nghị quyết 27 của tỉnh nên mọi người bảo nhau cùng làm nên cuộc sống không còn khổ nhiều nữa; không còn lo nhiều khi gia đình có người chết nữa”.

Bắc Quang – huyện cửa ngõ của Hà Giang có tới 19 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, dân tộc La Chí chiếm số ít với 843 nhân khẩu. Theo tìm hiểu, người dân tộc La Chí ở thôn Mục Lạn và thôn Vinh Ngọc, xã Tân Quang có 40 hộ, 171 khẩu; việc tổ chức tang cho người chết sau khi khâm niệm vẫn mở 1/3 nắp quan tài; các con trai đội nón mê ngồi quạt cho người chết đến khi đưa đi chôn; khi đi đưa ma phải mở nắp quan tài, nắp quan tài bê đi trước, quan tài đi sau. Nếu gặp đoạn đường quá khó đi còn bỏ thi thể ra ngoài khiêng riêng; người chết đưa đi chôn sẽ đem theo 1 con chó con đập chết vứt cạnh mộ, nếu chó chưa chết thì chưa được chôn bởi người dân tộc La Chí ở đây cho rằng linh hồn con chó sẽ dẫn linh hồn người chết xuống âm phủ. Khi nhà có người chết, ốm không đi khám bệnh mà lại đi xem bói; nếu thầy bói nói phải mổ trâu, mổ bò để cúng thì phải làm theo.

Trước thực trạng đó, xã chủ động tiếp cận những người có uy tín, nhất là đội ngũ thầy cúng, thầy bói để vận động. Bí thư Đảng ủy xã Tân Quang, Trần Ngọc Hùng chia sẻ: Tuy ban đầu gặp rất nhiều trở ngại trong việc tuyên truyền, vận động và thuyết phục nhưng bằng sự khéo léo, lấy tình cảm kết hợp sự kiên trì, phân tích có tình, có lý; lấy uy tín của thầy cúng, thầy bói làm tâm điểm cho sự vận động nên đội ngũ thầy cúng, thầy bói của hai thôn đã đồng tình. Đặc biệt, xã đã tổ chức lễ ra mắt mô hình tổ chức tang lễ cho người quá cố dân tộc La Chí; 100% các chủ hộ dân tộc La Chí ký kết, bày tỏ quan điểm quyết tâm xóa bỏ hủ tục. Đến nay, lễ tang được tổ chức theo hương ước, quy ước của thôn.

Ấm no đang về

Hủ tục dần xóa bỏ đã mang ấm no về, khiến khắp bản làng ở nơi địa đầu cực Bắc đón niềm vui náo nức. Các lễ hội tổ chức đúng quy định, đảm bảo trang trọng, đúng nghi thức dân gian truyền thống, nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được phục dựng tại lễ hội nhằm thu hút người dân và du khách tham gia như: Lễ hội Gầu Tào, khèn Mông; thi bắn nỏ, đánh yến, tung còn, leo cây, đi cà kheo… đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần cũng như nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hoạt động tại các đền, chùa, miếu, nhà thờ và các điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn từng bước đi vào nền nếp.

 Đồng bào dân tộc Lô Lô ở thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) trong ngày hội truyền thống.

Anh Nguyễn Hữu Nam, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh tâm sự: “Tôi đến Hà Giang vài lần nhưng mỗi lần đều để lại trong tôi ấn tượng tốt đẹp. Bây giờ Hà Giang đã khác trước, khác ở chỗ những giá trị văn hóa tốt đẹp không bị mất đi mà còn được bảo tồn, phát huy; những phong tục, tập quán lạc hậu được xóa bỏ nên nhận thức của người dân cũng tốt hơn, cuộc sống ấm no hơn”.

Lan tỏa hơi ấm Nghị quyết 27, nhân dân đã cải tạo, thay đổi các tập quán lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, trong lao động sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường; tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh; xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tham gia thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05, ngày 1.12.2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Người nông dân trước đây chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì nay đã chủ động thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, dược liệu, cây rau, quả trái vụ để tăng thu nhập; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa...

Hoàng Su Phì, vùng đất “vỏ cây vàng” với danh thắng quốc gia ruộng bậc thang vang danh xa gần, nhưng còn không ít hủ tục trong đời sống đồng bào các dân tộc. Xây dựng nếp sống văn minh theo tinh thần Nghị quyết 27, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động con cháu, dòng họ và nhân dân trong thôn, khu dân cư chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước thôn, tổ dân phố, nên các hủ tục, mê tín dị đoan dần được xoá bỏ. Các Hội Nghệ nhân dân gian ở Hoàng Su Phì xây dựng quy chế, quy ước rõ ràng; quy định mức tiền công đối với thầy cúng chỉ từ 30 nghìn đồng đến không quá 300 nghìn đồng/lần. Với việc cưới, để tránh tình trạng tảo hôn, muốn xem tuổi kết hôn, ngày giờ, đôi nam nữ phải có xác nhận của chính quyền xã đã đủ 20 tuổi đối với nam và đủ 18 tuổi đối với nữ.

Khơi dậy giá trị văn hóa tốt đẹp theo Nghị quyết 27, cấp ủy, chính quyền huyện Hoàng Su Phì giúp người dân thay đổi nhận thức trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới hỏi, tang ma; trong lễ hội và nếp sống sinh hoạt trong các cộng đồng dân cư… Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tham gia cùng cộng đồng tháo gỡ khó khăn; dạy dỗ, bảo ban thế hệ trẻ lòng tự hào và trách nhiệm về bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình. Từ đó, vận động mọi người xoá bỏ hủ tục, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc…

Ông Triệu Chòi Hín, một nghệ nhân dân gian có tiếng tại xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) là người rất nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội Nghệ nhân dân gian của xã. Ông Hín chia sẻ: “Giờ già rồi, chỉ sợ khi chết đi sẽ không ai nhớ về nghi thức truyền thống. Xã có phong cảnh ruộng bậc thang đẹp, nhiều người đến tham quan nên du lịch đang phát triển rồi. Hủ tục được xóa bỏ, văn hóa đặc sắc của người Dao trong xã sẽ là một sản phẩm du lịch đặc trưng để mọi người phát triển du lịch, nâng cao đời sống. Chẳng mấy mà bản làng ai cũng ấm no, không còn lo đói nghèo nữa”.

Nghị quyết 27 đã khẳng định tính đúng đắn khi đã xác định “dân là gốc” nên đã giúp cho hơi thở cuộc sống ấm no về khắp bản làng. Từ mùi cơm mới quyện trong khói lam chiều; tiếng mõ trâu, bò lốc cốc về chuồng trong mỗi hoàng hôn; tiếng trẻ em ê a học bài vang vọng núi rừng; tiếng máy móc rộn ràng đồng ruộng tới những đám cưới tiết kiệm, đầm ấm; đám tang thực hiện nghi lễ gọn nhẹ, giảm bớt gánh nặng cho người thân… Tất cả đã hòa quyện, vẽ nên “bức tranh” no ấm nơi cực Bắc khi Nghị quyết 27 thấm sâu vào đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây. Đặc biệt, Nghị quyết 27 đã giúp khăng khít thêm mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa dân với Đảng để giúp Hà Giang vươn mình trên đất khó.

Kim Tiến - Báo Hà Giang