Lâm Đồng: Khởi sắc nông thôn mới vùng đồng bào DTTS

(Mặt trận) -Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã mang lại những thay đổi sâu sắc và toàn diện tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Lâm Đồng. Không chỉ góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, chương trình còn nâng cao chất lượng đời sống kinh tế, văn hóa và tinh thần của người dân; qua đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh Lâm Đồng nói chung và các vùng đồng bào DTTS nói riêng.

Thanh Hóa nâng cao hiệu quả công tác giám sát thực hiện Dự án 1

Trà Vinh: Đẩy mạnh các hoạt động an cư lạc nghiệp cho đồng bào dân tộc

Nghệ An: Ưu tiên giải quyết chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

 Người dân vùng đồng bào DTTS đồng lòng, chung sức xây dựng NTM

ĐIỂM SÁNG TỪ ĐẠ M’RÔNG

Là xã vùng sâu của huyện Đam Rông với hơn 95% dân số là đồng bào DTTS, Đạ M’rông từng đối mặt với nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế và cải thiện đời sống. Tuy nhiên, nhờ quyết tâm và sự đồng lòng của chính quyền cùng người dân, xã đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong Phong trào xây dựng NTM.

Nhận thức rõ vai trò của công tác tuyên truyền, chính quyền xã đã triển khai nhiều hình thức vận động, tuyên truyền linh hoạt, đa dạng. Các nội dung xây dựng NTM được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi bộ, lớp tập huấn, hoạt động văn hóa và các hình thức tuyên truyền trực quan. Điều này giúp người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa và lợi ích của chương trình, từ đó tăng cường sự tham gia chủ động của bà con vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, phương châm “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ” được địa phương triển khai đồng bộ, khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong quá trình xây dựng NTM. 

Ông Lơ Mu Ha Kim- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, chia sẻ: “Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con tuân thủ chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, nhận thức của người dân được nâng cao rõ rệt. Bà con vùng đồng bào DTTS không chỉ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà còn tích cực hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động, giữ gìn vệ sinh và xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp”.

Trước những nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân địa phương, từ một xã vùng sâu còn nhiều khó khăn, đến cuối năm 2023, Đạ M’rông đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, chính thức đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên gần 47 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 39% (2016) xuống còn 11,8% (2023). Đời sống người dân được nâng cao với hơn 98% hộ dân sử dụng điện, 99% hộ có nhà ở đạt chuẩn, 100% dân số tham gia Bảo hiểm y tế và trạm y tế xã duy trì chuẩn quốc gia hàng năm.

KHỞI SẮC NÔNG THÔN MỚI

Thành công của Đạ M’rông là một phần trong bức tranh sáng về NTM của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 76/78 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM; trong đó có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà cùng hai TP Đà Lạt và Bảo Lộc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Giai đoạn 2019 - 2024, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đã huy động 15.001 tỷ đồng (Nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đóng góp trực tiếp, vay vốn tín dụng, huy động ngày công và hiến đất); ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp từ chương trình là 2.027 tỷ đồng và lồng ghép với các chương trình, dự án khác là 6.251 tỷ đồng. Các nguồn lực này được ưu tiên, đầu tư hiệu quả vào xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa. 

Theo ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ thì sự đồng thuận của đồng bào DTTS là yếu tố quyết định thành công của Chương trình NTM. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, bà con không chỉ đồng thuận hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn môi trường sống mà còn nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cũng như loại bỏ các hủ tục, bảo tồn văn hóa truyền thống. “Bà con vùng đồng bào DTTS ngày càng đoàn kết, nỗ lực thi đua, thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển vùng DTTS, trọng tâm là các chương trình mục tiêu quốc gia, vươn lên thoát nghèo và góp phần xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.”, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định. 

Cùng với sự phát triển của hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, thu nhập tăng cao và các tập quán sản xuất lạc hậu dần được thay đổi. Quan trọng hơn, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, an ninh, quốc phòng được bảo đảm, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Chương trình xây dựng NTM đã thực sự lan tỏa sâu rộng, không chỉ làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS mà còn cho thấy sức mạnh đại đoàn kết và quyết tâm vươn lên mạnh mẽ của chính quyền và người dân.

N.Q