Lai Châu: Ưu tiên nguồn lực chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Qua gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lai Châu rút ra những bài học kinh nghiệm cho riêng mình. Trong đó, Lai Châu luôn xác định việc thực hiện Chương trình là một trong những nội dung ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Một góc xã Pắc Ma, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Theo UBND tỉnh Lai Châu, dân số toàn tỉnh có khoảng trên 484 nghìn người, gồm 20 dân tộc sinh sống, trong đó có 4 dân tộc: Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Toàn tỉnh hiện vẫn còn 4 huyện nghèo, 54 xã và 558 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 28,54%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo DTTS lên tới 99,07%. Như vậy, tuyệt đại đa số người nghèo ở Lai Châu là người DTTS. Với những con số hết sức đặc thù như thế nên tỉnh Lai Châu luôn đánh giá cao và kỳ vọng Chương trình MTQG 1719 là một động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS.

Để đưa Chương trình đi vào cuộc sống, việc thành lập Ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở được tỉnh triển khai kịp thời, đồng bộ. Ban Chỉ đạo các cấp đã ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa cơ quan chủ quản Chương trình với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố được thực hiện chặt chẽ, kịp thời. Công tác kiểm tra, giám sát được coi trọng để kịp thời hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng quy định hiện hành và tiến độ được giao.

Trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm tổ chức thực hiện và việc không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên kết quả giải ngân vốn đầu tư của Lai Châu đạt khá cao (43%); đồng thời trên 14 tỷ đồng vốn sự nghiệp cũng đã được thực hiện. Qua triển khai Chương trình MTQG 1719 cho thấy, Chương trình đã đem lại hiệu quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Tỉnh đã tận dụng thời cơ từ các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc tạo bước phát triển đột phá cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nhờ có Chương trình, chính sách đại đoàn kết các dân tộc được phát huy. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS được duy trì ổn định.

 Phụ nữ dân tộc Mông bản Pá Khoang, xã Pha Mu, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Qua triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 cho thấy, tỉnh đã xác định thực hiện Chương trình là một trong những nội dung ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ các cấp, sự điều hành, chỉ đạo sát sao của chính quyền, sự phối hợp của MTTQ và các đoàn thể luôn được quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí tự lực tự cường trong nhân dân, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước được quan tâm đẩy mạnh. Tỉnh cũng thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ đến cơ sở, giao cho UBND huyện, xã làm chủ đầu tư các công trình xây dựng nhằm tạo sự chủ động và tham gia tích cực của người dân, cộng đồng vào các dự án tại địa phương.

Các nội dung trong Dự án, tiểu dự án được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, nội dung sát với điều kiện ở cơ sở. Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu cũng thực hiện nghiêm quy chế tập trung dân chủ, tôn trọng ý kiến của nhân dân trong lựa chọn công trình đầu tư, nội dung hỗ trợ, tạo điều kiện để nhân dân tham gia trực tiếp vào thực hiện mục tiêu của Chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh những sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện ở các cấp cơ sở. Trong đó, kết quả giải ngân vốn là một trong những thước đo đánh giá hiệu quả mà Chương trình mang lại. Lai Châu phấn đấu đến cuối giai đoạn I, năm 2025, 25% số thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; 31% số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn và một huyện thoát khỏi tình trạng nghèo.

Phương Liên