Lạc Dương: Tuyên truyền đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

(Mặt trận) -Huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, là vùng phụ cận TP Đà Lạt nên thuận lợi trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hội nhập kinh tế, trong đó có việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả, nhiều năm qua, Ủy ban MTTQ huyện Lạc Dương và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tìm giải pháp tốt nhất để tích cực tuyên truyền, vận động.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Nông dân Lạc Dương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Đình Tiến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lạc Dương cho biết: “Bên cạnh những yếu tố tích cực mà các tầng lớp Nhân dân trong huyện nỗ lực đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng còn xảy ra do bà con thiếu nhận thức, chưa hiểu rõ tầm quan trọng và giá trị của rừng. Việc những năm gần đây, giá đất lên cao khiến bà con bán đất nhiều nên thực tế xảy ra tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh… Trước tình hình đó, chúng tôi phát huy vai trò của Mặt trận các cấp vận động bà con thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong thời gian qua và đã đạt được kết quả khích lệ. Đó là vận động bà con thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học vào việc thâm canh cây trồng, vật nuôi. Nhiều hộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn phá bỏ cây cà phê để trồng cây rau, cây hoa áp dụng theo hướng công nghệ cao, cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Từ đó, đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao”. 

Nếu như trước đây, sản xuất theo kiểu truyền thống thì mỗi hecta người dân phải bỏ ra nhiều công sức, nhưng thu nhập vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Nay chuyển sang thâm canh, mỗi hộ chỉ cần vài ba sào đã tạo việc làm thường xuyên cho cả gia đình và cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Đó là cái lợi, cái được để làm cơ sở cho Mặt trận, đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con không lấn chiếm đất rừng, không phá rừng. Mặt khác, Mặt trận phối hợp với chính quyền, phòng, ban chuyên môn có định hướng cây trồng, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao, tìm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, giúp bà con yên tâm sản xuất, mạnh dạn đầu tư. 

Từ thực tiễn sinh động của Lạc Dương trong cách tuyên truyền, vận động bà con DTTS ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã mang lại hiệu quả rõ nét, Ủy ban MTTQ huyện đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp với các địa phương trong tỉnh và trong cả nước. Đó chính là giải pháp thực hiện đổi mới nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là để đồng bào DTTS hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tin tưởng thực hiện chính sách giảm nghèo; nhân rộng điển hình tiên tiến, đồng thời, khơi dậy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Cần đặc biệt chú trọng, phát huy vai trò tích cực của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS để tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. MTTQ huyện Lạc Dương còn tổ chức lễ phát động Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào hiểu và có ý thức vươn lên thoát nghèo”.

Giải pháp thứ hai được Ủy ban MTTQ huyện nêu lên làm kinh nghiệm cho các địa phương, đó là hướng dẫn đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất. Tuyên truyền bà con biết triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tập trung hướng dẫn đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị, gắn với Đề án OCOP - mỗi xã một sản phẩm của tỉnh đang triển khai hiệu quả.

Mặt khác, quan tâm thúc đẩy giải pháp vận động, tuyên truyền bà con DTTS tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã về trồng cây dược liệu, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Vận động bà con tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ, quản lý, phát triển rừng, tạo sinh kế từ rừng. Đề xuất chính quyền, cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, tăng cường liên kết với doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, sàn giao dịch điện tử để đưa sản phẩm địa phương tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài nước.

N.T