Krông Pắk (Đắk Lắk): Phát huy hiệu quả chính sách dân tộc, nâng cao đời sống cho đồng bào

(Mặt trận) -Những năm qua, với việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, mà cuộc sống của đồng bào DTTS huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đang ngày càng tốt hơn. Đồng bào không còn phải lo ăn từng bữa, đói nghèo dần được đẩy lùi.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Đường giao thông đến các buôn đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Krông Pắk hầu hết đã được bê tông hóa 

Hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Huyện Krông Pắk, có 23 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 32% dân số. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, tích cực tuyên truyền chuyển đổi mô hình sản xuất, chuyển giao kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng; đồng thời hỗ trợ đầu tư vốn, cây trồng, vật nuôi mà đồng bào DTTS ở các buôn làng đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và ngày càng khấm khá. 

Từ một hộ nghèo không có đất ở, đất sản xuất, vợ chồng anh Y Như Ayun, được đưa về buôn Ea Su, xã Ea Phê theo diện giãn dân. Vợ chồng Y Như được địa phương cấp cho 5 sào đất dựng căn chòi nhỏ để ở và sản xuất. Hồi đầu Y Như đầu tư trồng cà phê, nhưng chưa kịp thu hoạch thì bị bão phá sạch. Anh được chính quyền hỗ trợ cho vay vốn, đi học hỏi mô hình trồng xen canh hồ tiêu, cây ăn trái trên diện tích 2,5 sào cà phê, diện tích còn lại anh chuyên canh cây ăn trái.

“Vợ chồng vất cả mấy năm vừa chăm sóc vườn cây vừa tranh thủ đi làm thuê trang trải cuộc sống, đến khi cây trồng cho thu hoạch trừ chi phí, mỗi năm gia đình cũng dư được 50 triệu đồng”, Y Như chia sẻ. Vui hơn nữa là, đầu năm 2020, gia đình Y Như được hỗ trợ xây nhà theo Chương trình 167. Nhà nước hỗ trợ một phần, anh bỏ thêm kinh phí xây dựng căn nhà kiên cố. Không những thoát nghèo, gia đình anh đã có kinh tế ổn định.

Còn tại xã Ea Yông, ngôi nhà khang trang xen giữa rẫy tiêu xanh mướt, là thành quả lao động của gia đình ông Y Ngăm Ayun, Bí thư Chi bộ buôn Pan B suốt nhiều năm qua. Ông Y Ngăm cho biết: Gia đình ông có gần 3ha đất nông nghiệp trồng tiêu, cà phê. Được tham gia các khóa tập huấn học hỏi kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vườn cây phát triển cho năng suất cao. Trung bình mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Kinh tế vững, con cái được học hành đàng hoàng, cả 3 người con ông đều học đại học, ra trường có việc làm ổn định.

“Buôn này chủ yếu là đồng bào Ê Đê sinh sống. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, hầu hết các gia đình trong buôn được hỗ trợ phát triển sản xuất. Đến nay, kinh tế khá giả, trẻ con được quan tâm đầu tư việc học", ông Y Ngăm Ayun chia sẻ.

Không chỉ đồng bào dân tộc tại chỗ, cuộc sống của các DTTS phía Bắc di cư vào đây cũng từng ngày thay đổi.

Thôn 6, xã Ea Phê chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày và Nùng từ các tỉnh phía Bắc di cư vào sinh sống. Hồi mới rời quê vào lập nghiệp tại huyện Krông Pắk, đất sản xuất ít, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất thấp, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng  nhờ chính quyền hỗ trợ, định hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp, nay cuộc sống của đồng bào đã đổi khác,

Ông Lương Văn Sáng, thôn 6, xã Ea Phê chia sẻ: Khi mới vào đây lập nghiệp, bà con chủ yếu trồng lúa, đậu, bắp, các loại cây nông nghiệp ngắn ngày vì không có vốn đầu tư. Ông làm cán bộ thôn lâu năm, thường xuyên được đi họp, được đọc nhiều sách báo, thấy có mô hình kinh tế hay, phù hợp với địa phương là học làm theo. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, ông mạnh dạn vay ngân hàng, chuyển đổi trồng cây công nghiệp là cà phê, xen tiêu. Thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với các loại cây ngắn ngày.

"Mô hình thành công, tôi vận động, chia sẻ kinh nghiệm của mình cho bà con trong các buổi họp thôn, phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền, thậm chí đến từng nhà hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và được mọi người hưởng ứng. Nhờ đó, đến nay đời sống người dân trong thôn khá hơn rất nhiều, nhiều năm liền thôn 6 đều đạt danh hiệu thôn văn hóa của huyện", ông Sáng cho biết thêm.

Triển khai chính sách linh hoạt

Những năm qua, các chính sách của Nhà nước đầu tư trong vùng đồng bào DTTS được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, như trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, phổ biến, chuyển giao kỹ thuật trồng đa canh, đồng thời hỗ trợ vốn phát triển sản xuất. Nhờ vậy, các buôn làng ngày càng khang trang, đời sống đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt.

Theo báo cáo, đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể, hiện còn 5,54% (giảm 11,96% so với năm 2015). Tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS chiếm 4,16% (giảm 7,34%), tỷ lệ hộ cận nghèo là người DTTS chiếm 2,02% (giảm 0,44%). Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 45,30 triệu đồng/người/năm.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk chia sẻ: Các chính sách của Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Krông Pắk như Chương trình 135, chính sách đối với Người có uy tín, các chương trình về giảm nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia được huyện triển khai một cách linh hoạt, bảo đảm quy định, đúng kế hoạch đã phát huy hiệu quả tích cực, nhất là làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm kinh tế phù hợp của bà con. Nhờ đó, diện mạo buôn làng ngày càng khởi sắc, đời sống người dân nâng lên.

Hương Lê