Kon Tum: Chuyển biến tích cực từ các chương trình mục tiêu quốc gia

(Mặt trận) -Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kon Tum triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đi qua hơn nửa chặng đường thực hiện, với sự đồng lòng nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh, các CTMTQG có những chuyển biến tích cực.

Hỗ trợ nhà ở, giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp

Phú Thọ: Đẩy mạnh chính sách trong đồng bào dân tộc thiểu số

Phù Ninh: Tạo sinh kế cho người nghèo

 Các địa phương tập trung thực hiện các công trình, dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn của các CTMTQG. Ảnh: TH

Hơn 2 năm qua, cùng với việc tập trung triển khai phân bổ, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển của Trung ương, tỉnh Kon Tum chủ động cân đối, bố trí ngân sách địa phương đối ứng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ sự phát triển bền vững trên mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội.

Đến nay, tỉnh đã tiến hành phân bổ 100% kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các sở, ngành và địa phương thực hiện các chương trình MTQG. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và các địa phương, trong năm 2023 nỗ lực phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2022 và giải ngân tối thiểu 90% vốn kế hoạch năm 2023. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, nhưng tỉnh đã cố gắng bố trí đối ứng, lồng ghép các nguồn vốn được khoảng 465 tỷ đồng thực hiện các chương trình.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào DTTS về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, thi đua phát triển kinh tế- xã hội được các cấp, ngành chú trọng thực hiện. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc triển khai thực hiện các các chương trình, dự án.

Nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị các cấp và người dân, sau hơn 2 năm thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh có những biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng.

Kinh tế - xã hội vùng nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xã có bước phát triển quan trọng; cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn được cải thiện. Các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn các huyện nghèo, các xã khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 42/85 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; trong đó, có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 19 thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn, biên giới đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Bình quân đạt 15,32 tiêu chí/xã.

Năm 2022, tỷ lệ giảm hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đạt 4,46%. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 15.943 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,86% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh; tổng số hộ cận nghèo là 8.857 hộ, chiếm tỷ lệ 6,03%.

Dự kiến đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm hộ nghèo toàn tỉnh đạt 4,04%, tỷ lệ giảm hộ nghèo tại các huyện nghèo bình quân 10,5%, vượt kế hoạch đề ra.

Thu Hương