Kinh nghiệm giảm nghèo bền vững ở Trà Vinh

(Mặt trận) -Trà Vinh là tỉnh ven biển có trên 1 triệu dân, trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 31,53%. Cùng với việc thực hiện chính sách của Nhà nước, tỉnh Trà Vinh đã ban hành các chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình địa bàn, nhờ đó, địa phương này đã về 'đích' trước 1 năm trong tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2016-2020.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Mô hình nuôi bò sinh sản đã giúp cải thiện đời sống của nhiều hộ nghèo ở Trà Vinh.

Không còn hộ nghèo là gia đình có công

Tính đến cuối năm 2020, tỉnh Trà Vinh chỉ còn huyện Trà Cú thuộc diện nghèo, 2 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (giảm 5 xã so với năm 2016). Ngoài ra, có 23 xã và 10 ấp đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 (giảm 1 xã và 42 ấp so với đầu giai đoạn). Đây là kết quả của quá trình tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp GNBV.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Trà Vinh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nhiều nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV như: Nghị quyết hỗ trợ 30% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, cho người thuộc hộ nghèo đa chiều; Nghị quyết hỗ trợ đất ở cho hộ nghèo; Kế hoạch hỗ trợ cho hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công; Kế hoạch hỗ trợ cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát triển sinh kế, đào tạo nghề, kết nối giải quyết việc làm.

Các chính sách ban hành đã góp phần tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận được đầy đủ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Đồng thời, cơ bản đáp ứng được một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo như: Nước sạch, tiếp cận giáo dục, y tế, thông tin...

Về nguồn lực, tỉnh Trà Vinh huy động hơn 9.400 tỉ đồng để thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo. Trong đó, có việc triển khai xây dựng, duy tu, bảo dưỡng 589 công trình đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện nghèo, xã, ấp đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ hơn 3 triệu thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân sống trên địa bàn xã đảo, xã đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số (DTTS).

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UNBD tỉnh Trà Vinh cho biết, các chương trình, chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ và có hiệu quả đã góp phần giúp Trà Vinh thực hiện mục tiêu GNBV về “đích” trước 1 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Đặc biệt, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Trà Vinh không còn hộ nghèo thuộc gia đình người có công. Tỉ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh từ 13,23% năm 2015 đã giảm chỉ còn 3,22% ở thời điểm cuối năm 2019 (bình quân hàng năm giảm 2,5%).Tỉ lệ hộ nghèo DTTS giảm còn 5,94% (bình quân hằng năm giảm 4,17%).

Kết quả thực hiện mục tiêu GNBV đã góp phần giúp cho 65/85 xã có tỉ lệ hộ nghèo đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 48 xã có tỉ lệ hộ nghèo đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao). Có 5/7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Tạo sinh kế đa dạng cho hộ nghèo

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Trà Vinh đạt kết quả tốt trong GNBV là đa dạng hóa sinh kế và tạo nhiều nguồn vốn vay cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo DTTS. Địa phương này đã thực hiện 432 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hỗ trợ cho hơn 6.600 hộ hưởng lợi. Đồng thời, dành hơn 3.000 tỉ đồng hỗ trợ cho gần 182.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ DTTS... vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ DTTS đã thoát nghèo. Chị Kim Thị Ly, dân tộc Khmer, ở xã Tập Sơn, huyện Trà Cú là một trong số đó. Chị không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi cách sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi: “Tôi luôn mong muốn, khát khao thoát khỏi tình trạng nghèo khó nhưng lại không có vốn sản xuất. Biết được mong muốn của tôi, năm 2016, Chi hội phụ nữ ấp đã cho tôi vay 7 triệu đồng. Tôi cũng được tạo điều kiện vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV. Tôi dùng số vốn vay đó nuôi bò sinh sản và nuôi gà thả vườn”.

Đến cuối năm 2018, gia đình chị Ly đã có 4 con bò, cho thu nhập mỗi năm khoảng 50 triệu đồng. “Tôi lo cho con học xong đại học, hiện đã có việc làm, thu nhập ổn định. Với tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên để thoát nghèo bền vững, cuối năm 2018, gia đình tôi tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Cuộc sống gia đình tôi từ đó đến nay được cải thiện ngày càng tốt hơn” - chị Ly chia sẻ.

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, một trong những hợp phần đầu tư mang lại hiệu quả cho đời sống của đồng bào Khmer là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135. Năm 2020, tỉnh Trà Vinh đã huy động tổng nguồn lực hơn 3.600 tỉ đồng để thực hiện các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm... nhằm GNBV. Nhờ vậy, cuối năm 2020, toàn tỉnh giảm 4.010 hộ nghèo; trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer là hơn 2.500 hộ.

Năm 2021, tỉnh Trà Vinh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%, hộ nghèo dân tộc Khmer giảm từ 1,5-2%. Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cho biết sẽ chú trọng hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, đa dạng nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo; hướng dẫn hộ nghèo có kế hoạch sử dụng vốn vay hiệu quả.

Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng. Đồng thời, triển khai các mô hình hợp tác, liên kết giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Bích Nguyên