(Mặt trận) - Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước thành phố Rạch Giá (Hội) đã có nhiều thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước Sư sãi và đồng bào Phật tử không ngừng hăng hái thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
|
Ông Trần Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Rạch Giá tặng bằng tán dương công đức cho Đại đức Danh Út, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước TP. Rạch Giá đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021 |
Thành phố Rạch Giá có dân số là 236.532 khẩu, trong đó dân tộc Khmer 16.249 khẩu, chiếm 6,87%. Thành phố có 4 ngôi chùa Khmer đã hình thành từ lâu đời như: Chùa Láng Cát ở phường Vĩnh Lạc hơn 600 năm, Chùa Phật Lớn ở phường Vĩnh Quang hơn 500 năm, hai chùa này đã được Bộ văn hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia; Chùa Rạch Sỏi và Chùa Thôn Dôn với 94 vị Sư sãi.
Trong hai cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, Hội có 05 vị Hoà thượng được Nhà nước tặng Huân chương, Huy chương Kháng chiến như: Cố Hòa thượng Tăng Phô tức Trần Phố nguyên trụ trì Chùa Láng Cát (1882 – 1894) tham gia nghĩa quân được ông Đào Công Bữu phong tặng danh hiệu “QUÂN ĐẠI HÙNG SƯ” bị Pháp bắt đi đài và hy sinh tại nhà tù Côn Đảo; cố Hoà thượng Danh Nhưỡng được Nhà nước tặng Huân chương độc lập hạng I, Huân chương kháng chiến hạng III; cố Hòa thượng Danh Dĩnh Huy được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng I; cố Hòa thượng Ngô Văn Ẩm Huân được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng I; cố Hoà thượng Danh Thọ được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng III.
Từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, đồng bào phật tử Khmer thành phố Rạch Giá gặp không ít khó khăn về đời sống. Với sự quyết tâm nổ lực của Ban chấp hành Hội, Sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer mà các cơ sở thờ tự được tu sửa, xây mới khang trang hơn, tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trong đồng bào Khmer được giữa vững ổn định; đời sống văn hóa, tinh thần trong đồng bào đươc nâng lên.
Hội đã phối hợp cùng với cấp ủy, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp vận động đồng bào Phật tử Khmer thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; hướng dẫn các chùa lồng ghép phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước như: Chỉ thị 68-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa VI) về công tác ở vùng đồng bào Dân tộc Khmer; Nghị quyết TW 7 (khoá IX) về công tác Tôn giáo, Luật Tín ngưỡng tôn giáo; ý nghĩa các ngày lễ lớn của đất nước, dân tộc và của Phật giáo vào các buổi thuyết pháp trong các ngày rằm, ba mươi hàng tháng, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer để giáo dục chư tăng, Phật tử nghiêm trì giới luật, tu hành tinh tấn và tự rèn luyện bản thân mình cho thật gương mẫu, nâng cao uy tín, tạo được lòng tin trong đồng bào Khmer.
Đặc biệt là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, Hội đã ra sức xây dựng tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa Hội và các tổ chức tôn giáo bạn, giữa chùa Khmer với các chùa, tịnh xá, tự viện, nhà thờ. Nhờ vậy mà Hội đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi hoạt động.
Công tác giáo dục chư tăng và con em đồng bào dân tộc được Hội xem là nhiệm vụ hàng đầu trong hoạt động của Hội, góp phần nâng cao dân trí cho chư tăng và con em đồng bào Phật tử Khmer có đủ kiến thức tiếp thu sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện góp một phần công sức của mình vào công cuộc đổi mới xây dựng quê hương Rạch Giá ngày càng giàu đẹp phồn vinh. Sư sãi trong Hội đến nay đã có 01 nghiên cứu sinh, Đại học (15 vị), Cao đẳng (26 vị), trung cấp chuyên nghiệp (30 vị), trung cấp nghề (27 vị). Hội còn được vinh dự nhận đăng cai kỳ thi tốt nghiệp tiểu học Pali và Kinh Luận Giới hàng năm tại Chùa Rạch Sỏi, do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh tổ chức liên tục từ năm 2000 đến nay.
Hội thường xuyên đôn đốc các chùa trong thành phố tích cực kết hợp với các đoàn thể mở các lớp dạy nghề như: Cắt may, điện gia dụng, điện thoại di động, đan cườm, đan giỏ lục bình, trồng nấm rơm, bó chổi; chăn nuôi heo, cá; trồng rau sạch, trồng hoa, cây kiểng và lớp kỷ thuật xây dựng… Từ đó nâng cao tay nghề, tạo điều kiện cho thanh niên đồng bào Khmer có công ăn việc làm ổn định.
Hội luôn quan tâm mở các lớp Phật học và dạy học chữ Khmer giúp cho nhiều chư tăng, thanh niên là con em dân tộc Khmer có được trình độ Khmer ngữ, Phật học cơ bản góp phần rất lớn cho việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và nghiêm trì giới luật, tu hành tinh tấn đem lại niềm tin trong đồng bào. Bên cạnh đó mỗi năm Hội đều tạo điều kiện để học sinh, sinh viên con em đồng bào dân tộc Khmer từ các huyện, thị đến tá túc, tạm trú để theo học các lớp, trường phổ thông, cao đẳng, đại học và các ngành nghề đào tạo khác, chi phí sinh hoạt, học tập đào tạo Sư sãi và giúp đỡ hỗ trợ một phần cho các con em ở các chùa như: Rạch Sỏi, Thôn Dôn, Láng cát, Phật lớn.
Với thần “Lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chỉ riêng năm 2021, Hội đã thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng giá trị 3.054.000.000đ bằng những việc làm thiết thực như: Hỗ trợ áo quan, mai táng; thăm hỏi cụ già neo đơn bệnh tật; làm cầu giao thông nông thôn; phát quà cho đồng bào Khmer, người có uy tín, Achar bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; nuôi dưỡng 08 cụ già và nuôi chứa các em học sinh nghèo tại chùa; tổ chức khám và phát thuốc Nam miễn phí. Từ các hoạt động đó Sư sãi và Phật tử đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tạo ổn định vững chắc trong sinh hoạt hàng ngày, giảm đáng kể các tệ nạn xã hội và mê tín dị đoan.
Việc bảo vệ môi trường sống cũng được Hội thường xuyên hướng dẫn Phật tử trồng cây xanh để tạo bầu không khí trong lành. Việc hỏa táng cũng được quan tâm hơn tại các chùa, đặc biệt là chùa Thôn Dôn, vì đây là nơi tiếp nhập hỏa táng nhiều nhất trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận. Việc làm này cũng góp phần không nhỏ vào công tác bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu một cách bền vững.
Hội còn tích cực tham gia vào các hoạt động của chính quyền các cấp, đoàn thể, tính đến nay Sư sãi trong Hội có 02 vị là đảng viên, 01 vị là ủy viên Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh; 01 vị là ủy viên Hội Liên hiệp thanh niên thành phố; 01 vị là Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, 02 vị là ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, 02 vị là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường; 04 Chi hội Hội Liên hiệp thanh niên Sư sãi; 04 Chi hội khuyến học hỗ trợ kịp thời cho Sư sãi và hội viên trong đồng bào Phật tử khó khăn, học sinh nghèo hiếu học và thực hiện việc vận động tuyên truyền trong việc xây dựng xã hội học tập hiện nay.
Hàng năm, các chùa trong thành phố tổ chức tốt các lễ hội truyền thống của Phật giáo và đồng bào dân tộc như lễ: Chôl- Chnăm-Thmây, ĐônTa, Óok-òm-bók, lễ Phật Đản, Nhập hạ, KaThiNa… theo nghi thức Phật giáo và truyền thống dân tộc. Cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc trên địa bàn thành phố luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, luôn kịp thời thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà chư tăng và Phật tử trong các dịp lễ hội truyền thống. Từ đó, cũng cố thêm niềm tin của chư tăng và đồng bào Phật tử Khmer đối với Đảng và Nhà nước, làm cho mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo ngày càng gắn bó.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Hội cũng không ít mặt khó khăn như: công tác tuyên truyền vận động Sư sãi và đồng bào Phật tử chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đôi lúc còn chậm, công tác tham mưu cho tỉnh Hội có mặt chưa kịp thời, công tác phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Rạch Giá và các ngành có liên quan chưa thường xuyên. Kinh phí hoạt động của Hội còn gặp nhiều khó khăn.
|
Kỳ thi Pali-Kinh Luận giới do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh tổ chức tại Chùa Rạch Sỏi năm 2020 |
Phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của Sư sãi và Phật tử Khmer trong thời gian tới, Hội tập trung vận động đồng bào Khmer chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, Pháp luật của Nhà Nước, con em đồng bào dân tộc Khmer quyết tâm không vi phạm Pháp luật và mắc vào các tệ nạn xã hội.
Tiếp tục giữ mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn trong thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; Cuộc vận động “Học tập và theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tuyên truyền Luật Tín ngưỡng tôn giáo.
Bồi dưỡng nâng cao trình độ Phật pháp cho Sư sãi, tạo điều kiện tốt cho các vị trong việc nghiêm trì giới luật, tu hành tinh tấn nhằm tăng thêm lòng tin của Phật tử. Tăng cường đoàn kết phối hợp với các hệ phái Phật giáo trong việc tu học và hành đạo. Hướng dẫn tổ chức nghi lễ theo phong tục, tập quán nhưng đảm bảo tiết kiệm, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; vận động phật tử tinh thần thọ Tam quy ngũ giới, bát quan trai giới, nâng cao chất lượng các buổi thuyết pháp đúng theo chính sách, pháp luật của Nhà nước và đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tăng cường vận động con em đồng bào dân tộc Khmer đi học văn hoá, phấn đấu tỷ lệ đi học đúng độ tuổi đạt trên 98%, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban. Cố gắng đưa nhiều tăng sinh theo học ở bậc học cao hơn.
Tham gia công tác từ thiện do các ngành, các cấp phát động; vận động các chùa, các mạnh thường quân; Phật tử đóng góp tài vật để công tác an sinh xã hội ngày càng lan tỏa trong công đồng; thực hiện tốt việc hỏa táng người thân khi qua đời; tiếp tục đẩy mạnh và giữ gìn tốt vệ sinh môi trường, xanh, sạch đẹp trong khuôn viên Chùa và trong các phum, sóc, ấp của đồng bào.
Nguyễn Hoa