Kiên Giang: Hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào Khmer vươn lên

(Mặt trận) -Các địa phương của tỉnh Kiên Giang có đông đồng bào Khmer sinh sống luôn xác định việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào Khmer hàng năm đều giảm.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Được chính quyền các cấp hỗ trợ vốn, con giống, gia đình anh Danh Bái, ngụ khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên) vươn lên thoát nghèo. Trong ảnh: Anh Danh Bái đang chăm sóc bò.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer vươn lên thoát nghèo. Qua quán triệt, triển khai thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh hiểu và tích cực lao động, sản xuất, chí thú làm ăn, mạnh dạn áp dụng các mô hình kinh tế mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tính đến cuối năm 2021, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn trên 3%, giảm 1,3% so năm 2020; hộ cận nghèo giảm còn trên 6%, giảm 0,78% so năm 2020.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tận dụng nhiều nguồn vốn của Trung ương, tỉnh để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo nghề, hỗ trợ nhà ở, đất ở, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có đông đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc, việc vận chuyển hàng hóa của người dân thuận tiện, thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển sinh kế cho đồng bào Khmer một cách toàn diện. Để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, ngành lao động - thương binh và xã hội các cấp tổ chức các lớp đào tạo nghề cho 248 người dân tộc thiểu số tham gia học; hỗ trợ 57 đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn quỹ quốc gia về việc làm với số tiền 2,394 tỷ đồng.

Anh Danh Ngọc Khanh, ngụ ấp Hòa Hiếu 2, xã Định Hòa (Gò Quao) cho biết: “Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho đồng bào Khmer được tiếp cận các khoản vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống của nhiều gia đình như được sang trang mới, không còn sống trong cảnh khó khăn. Vui hơn nữa là khi cuộc sống dần ổn định, đồng bào Khmer đã đồng tâm, hiệp lực cùng địa phương ra sức xây dựng quê hương. Gia đình tôi cũng nhờ được vay vốn nên nay cũng đã vươn lên làm giàu”.

Trước đây gia đình anh Danh Bái, ngụ khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên) thuộc diện hộ nghèo. Từ khi gia đình anh được Hội Nông dân phường hỗ trợ 1 con bò và được vay ưu đãi phát triển kinh tế 30 triệu đồng thì đời sống gia đình anh như được bước sang trang mới. Với số tiền vay anh dùng để nuôi cá rô và trồng thêm rau. “Trước đây, kinh tế gia đình tôi khó khăn. Cũng nhờ chính quyền các cấp hỗ trợ vốn, con giống từ đó kinh tế gia đình có sự phát triển. Giờ đây, gia đình tôi có thu nhập ổn định để lo các con được ăn học đến nơi đến chốn”.

Song song với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng quê hương văn minh, hiện đại, đời sống văn hóa trong đồng bào Khmer luôn được quan tâm chăm lo bằng nhiều hình thức. Từ chỗ được vận động, tuyên truyền về công tác xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, xóm ấp, đồng bào Khmer đã trở thành chủ thể tự nguyện, sát cánh cùng chính quyền địa phương đưa phong trào đi vào thực chất. Không tuyên truyền những quy định chung chung, thời gian qua, phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên) hướng dẫn người dân thực hiện những phần việc cụ thể như ông bà, cha mẹ phải mẫu mực để con cháu noi theo; yêu thương, giúp đỡ hàng xóm thoát nghèo; trồng cây xanh; không vứt rác bừa bãi...

“Đặc biệt thời gian gần đây, dù dịch bệnh được kiểm soát nhưng tôi vẫn tiếp tục vận động người dân hạn chế tụ tập đông người vào các dịp lễ ở chùa, khi tham gia phải tuân thủ khuyến cáo 5K, loại bỏ những hủ tục không phù hợp”, ông Chau Lul - người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phường Mỹ Đức chia sẻ.

Đại đức Danh Quol - trụ trì chùa Nha Si Cũ (Giồng Riềng) là tấm gương điển hình trong việc tập hợp, đoàn kết đồng bào Khmer xây dựng đời sống văn hóa. Đại đức Danh Quol thường xuyên kêu gọi đồng bào Khmer giữ gìn an ninh, trật tự, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Đại đức vận động các nhà hảo tâm trao trên 1.000 suất quà cho hộ nghèo, cận nghèo, từ đó giúp nhiều hộ dân vượt qua khó khăn. “Đời sống người dân ngày càng phát triển, nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng khang trang, hệ thống chợ được nâng cấp, sửa chữa. Với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, phần lớn đồng bào Khmer đã có bước chuyển biến trong nhận thức, chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo”, đại đức Danh Quol cho biết.

Theo đồng chí Danh Phúc - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, tỉnh đã huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương đã từng bước mang lại lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. “Đặc biệt, nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó tích cực đóng góp trở lại cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng có đông đồng bào Khmer”, đồng chí Danh Phúc cho biết.

Danh Thành