(Mặt trận) -Bao nhiêu năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là bấy nhiêu năm các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đời sống của bà con ở các xã, thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở vùng ven thành phố Đà Lạt được đặc biệt quan tâm, chăm lo. Và hôm nay, những nơi này đã có diện mạo hoàn toàn mới, đầy khởi sắc.
|
Nhiều tuyến đường qua xã Tà Nung được quan tâm đầu tư, nâng cấp |
Đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vùng DTTS thời gian qua được Đảng bộ, chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm, triển khai một cách đồng bộ. Đặc biệt, công tác đảm bảo an sinh xã hội, vận động các nguồn lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững được thành phố triển khai quyết liệt và đạt kết quả khá toàn diện. Theo báo cáo của UBND thành phố, hiện nay, 100% các xã, thôn, tổ dân phố vùng DTTS sinh sống được đầu tư xây dựng đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, cơ sở giáo dục, chợ dân sinh, trạm y tế, nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt tổ dân phố, thôn... qua đó, từng bước đáp ứng, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS ở địa phương. Các giá trị văn hóa truyền thống không vì thế bị lơ là mà ngược lại, luôn được quan tâm gìn giữ.
Xã Tà Nung là bức tranh đại diện cho chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những đổi thay khá ngoạn mục của thành phố Đà Lạt với những chính sách đầu tư, hỗ trợ, có trọng tâm, trọng điểm, đúng hướng, được dân hết lòng ủng hộ và đã đạt được kết quả nổi bật, làm thay đổi rõ rệt đời sống kinh tế, xã hội của bà con.
Tà Nung hiện có 653 hộ đồng bào DTTS với 2.642 người trên tổng số dân toàn xã là 5.293 người (tỷ lệ 49,91%). Chỉ hơn 5 năm trước thôi, xã Tà Nung trong khí ức của nhiều người vẫn còn là nơi còn nhiều khó khăn. Những con đường liên thôn, liên xã vẫn còn nhiều nơi lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa; mùa khô thì bụi bay mù mịt… Thật bất ngờ khi trở lại Tà Nung vào thời điểm này, một vùng đất mới hoàn toàn. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới thật sự đã giúp xã này thay da đổi thịt. Trao đổi với tôi, đồng chí Lê Quang Huý - Bí thư Đảng ủy xã Tà Nung cho biết: Suốt quá trình nhiều năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với sự đóng góp của người dân bằng nhiều hình thức, xã đã được Nhà nước quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng nhiều tuyến đường giao thông mới khang trang, xây dựng thêm một số cây cầu phục vụ dân sinh. Hiện nay, 100% đường trục xã Tà Nung đã được nhựa hóa; 100% đường trục thôn được cứng hóa, không còn lầy lội vào mùa mưa; 74,68% đường trục chính nội đồng cũng được cứng hóa.
Có thể thấy rằng, chính sách đầu tư vào xã Tà Nung gần đây khá phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào, thể hiện ở việc đồng bào đã có thay đổi lớn về mặt tư duy phát triển kinh tế. Ở xã ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chủ yếu là trồng rau, hoa, đặc sản của vùng đất Tà Nung như khoai lang dẻo, bơ… mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và đã giúp đời sống người dân ở xã, trong đó có nhiều hộ là người đồng bào DTTS thoát nghèo, sau đó vươn lên làm giàu. Theo thống kê, hiện xã có trên 85,4% số hộ đã có nhà ở đạt chuẩn, không còn hộ đồng bào dân tộc ở nhà tạm, nhà dột nát. Thu nhập bình quân của người từ 30 triệu đồng/người (năm 2015) lên 45,73 triệu đồng/người vào năm 2020.
Ngoài xã Tà Nung, Tổ dân phố Măng Lin, Phường 7 cũng được xem là vùng DTTS của thành phố. Tại vùng này, giai đoạn 2015 - 2020, thành phố đã kiến nghị tỉnh xem xét cấp quyền sử dụng đất cho 40 hộ đồng bào DTTS; đầu tư nâng cấp hệ thống nước tự chảy; hệ thống nước sạch phục vụ người dân. Tính đến nay, theo số liệu thống kê của thành phố Đà Lạt, 100% hộ đồng bào DTTS của thành phố được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ đồng bào DTTS được sử dụng thường xuyên mạng điện lưới quốc gia.
Giai đoạn 2015 - 2020, thông tin từ thành phố cho biết, đã đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất cho 107 lượt hộ đồng bào DTTS với tổng số tiền 1.057,71 triệu đồng. Hỗ trợ cho 180 hộ DTTS mua 91.790 cây giống cà phê thực sinh, cà phê Robusta, cà phê chè với tổng số tiền trên 235 triệu đồng. Hỗ trợ đầu tư 40 ao, hồ nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã trị giá 400 triệu đồng góp phần để tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp được tưới nước chủ động đạt trên 96,2%. Thành phố cũng tiến hành giao khoán chăm sóc, bảo vệ 1.791 ha rừng cho 302 lượt hộ đồng bào dân tộc với tổng kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng trên 3 tỷ đồng. Và để bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc ở 2 vùng DTTS là Tà Nung và Măng Lin, thành phố còn ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển Không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên đến năm 2020”; phê duyệt kế hoạch phát triển du lịch văn hóa bản địa xã Tà Nung và Tổ dân phố Măng Lin, Phường 7 đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Có thể nói rằng, công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS thời gian qua đã được thành phố quan tâm bằng nhiều nguồn lực đầu tư và giải pháp phù hợp nên đạt được những kết quả tích cực. Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã đầu tư trên 22 tỷ 695 triệu đồng xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông nông thôn, chợ nông thôn, công trình thủy lợi (trong đó Nhân dân đóng góp đối ứng 6.441 triệu đồng); phối hợp xây dựng, duy tu, bảo dưỡng đường đèo Tà Nung trị giá 150 tỷ; hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân vùng đồng bào DTTS trị giá 30 tỷ. Năm 2016, hộ nghèo DTTS theo chuẩn mới giai đoạn 2016 - 2020 có 36 hộ (tỷ lệ 2,9%) hộ cận nghèo có 54 hộ (tỷ lệ 4,36%), đến năm 2020 đã không còn hộ DTTS nghèo, hộ cận nghèo chỉ còn lại 3/7 hộ.
Kết cấu hạ tầng xã hội, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS được chú trọng đầu tư đồng bộ, từng bước hoàn thiện, ngày càng đổi mới, phát triển toàn diện, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng; cơ cấu, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực phù hợp với tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc...
Từ những kết quả trên, có thể khẳng định rằng, một trong những yếu tố quan trọng để đưa đời sống của bàn con vùng DTTS của thành phố thoát nghèo và đạt được những đổi thay vượt bậc như hôm nay, ngoài chính sách đầu tư hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm và đúng hướng của chính quyền các cấp và sự đồng lòng, đoàn kết chung tay thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, vận động của cán bộ, chính quyền các cấp thì đó chính là ý chí vượt khó vươn lên của bà con Nhân dân. Nhân dân với vai trò là chủ thể đã chuyển mình đầy ngoạn mục và góp phần hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch, cũng như các chương trình xây dựng nông thôn mới từ lớn đến nhỏ được thành phố triển khai suốt thời gian qua, và cũng chính họ đã đưa đời sống của chính gia đình mình cùng với thôn xóm, vùng quê mình đang sinh sống trở nên đầy khởi sắc như hôm nay.
NGUYỄN NGHĨA