(Mặt trận) -Thời gian qua, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiều chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được triển khai hiệu quả, tạo xung lực phát triển cho tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, có các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ cây - con giống, máy móc, nông cụ, phân bón, vật tư... Nhờ đó, đời sống người dân, kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc.
|
Mô hình nuôi dê lấy sữa đã góp phần thay đổi kinh tế của bà con huyện Buôn Đôn |
Thay đổi vùng biên giới
Những ngày này, về Buôn Đôn - huyện biên giới của tỉnh Đắk Lắk (tiếp giáp tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia), tuyến tỉnh lộ 1 dẫn vào huyện đang được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là hệ thống giao thông trọng điểm, được đặt nhiều kỳ vọng trong việc kết nối, lưu thông hàng hóa, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Vào xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), các đường nhánh, đường thôn buôn cũng đã được bê tông hóa đến tận ngõ từng nhà; hệ thống nước sạch cũng được triển khai đến từng gia đình. Người dân không còn lo cảnh thiếu nước sinh hoạt như trước đây…
Ngược vào buôn Đrăng Phốk (xã Krông Na), những cánh đồng bắp, sắn đã được thay bằng những vườn điều xum xuê quả. Những năm gần đây, nhờ chuyển đổi cây trồng từ sắn, bắp sang giống điều ghép cao sản nên nhiều hộ dân có kinh tế khấm khá hơn. “Nhà mình có 2ha đất, trước đây chủ yếu là trồng sắn, bắp, mỗi năm thu nhập chỉ hơn chục triệu đồng nên liên tục thiếu ăn. Năm 2017, được cán bộ hướng dẫn, đầu tư cây giống, mình chuyển sang trồng điều cao sản nên thu nhập đã ổn định. Với 2ha điều, trừ hết chi phí, mỗi năm cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Nhờ đó, vợ chồng mình mua được xe máy, xây được nhà, con cái được học hành đầy đủ”, anh Ama Phết (buôn Đrăng Phốk) chia sẻ.
Buôn Đôn là huyện có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 47%. Ngành kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp, nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, nguồn nước khan hiếm nên đời sống của bà con ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Nhưng những năm gần đây, từ việc triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án chính sách dân tộc, các mô hình kinh tế mới nên đời sống của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Khăm Phôn Lào, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn, cho biết, bên cạnh các mô hình chăn nuôi, trồng hoa màu thì những năm gần đây, mô hình trồng điều ghép cao sản bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Giống điều ghép cao sản có sức chống chịu hạn tốt, chi phí đầu tư ít, trong khi hiệu quả kinh tế lại cao hơn một số loại cây khác. Hiện mô hình này đang được nhân rộng ra toàn huyện. Cũng theo ông Khăm Phôn Lào, UBND huyện Buôn Đôn đã triển khai quyết liệt các mô hình cây trồng phù hợp với chất đất của từng vùng trong huyện, các mô hình vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Cùng với hỗ trợ phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư đồng bộ. Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Buôn Đôn, cho biết, trong 5 năm trở lại đây, huyện đã đầu tư hơn 635 tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, lưới điện, trường học, trạm y tế, nhà làm việc và nhiều công trình phúc lợi khác… Hiện toàn huyện có trên 80% đường giao thông liên xã, trên 40% đường liên thôn, trên 53% đường nội thôn, trên 31% đường nội đồng đã được bê tông hóa. Ngoài ra, hệ thống giáo dục được quan tâm đầu tư đồng bộ với 39 trường học, 618 lớp, 16.532 học sinh. “Sự quan tâm đầu tư bài bản về kết cấu hạ tầng là động lực mạnh mẽ để huyện phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm gần nhất của huyện đạt 10,4% và có xu hướng tiếp tục phát triển trong tương lai”, ông Vinh cho biết thêm.
Nhiều chương trình thoát nghèo
Ngược về huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) có thể thấy sự thay đổi lớn về cơ sở hạ tầng, đời sống người dân, đặc biệt là ở vùng DTTS. Ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, cho biết, địa bàn có diện tích tự nhiên hơn 82.450ha, gồm 17 xã, thị trấn với 177 thôn, buôn. Trong đó, có 72 thôn, buôn đồng bào DTTS, tỷ lệ người DTTS chiếm khoảng 46%. Những năm qua, huyện đã huy động nhiều nguồn lực chăm lo, từng bước ổn định, nâng cao đời sống cho người dân, nhờ đó nhiều thôn buôn trên địa bàn đã dần phát triển.
Đúng như lời ông Y Wem nói, khi chúng tôi đến từng buôn làng và tận mắt chứng kiến các công trình an sinh xã hội đã được triển khai đồng bộ. Các tuyến đường vào thôn buôn được thảm nhựa hoặc bê tông hóa, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở từng thôn buôn được xây dựng khang trang... Đặc biệt, buôn H’Mông tại xã Ea Kiết (huyện Cư Mgar) đã thay đổi rõ rệt. Nhằm đảm bảo đời sống cho hàng trăm hộ dân đang sống rải rác trong rừng Buôn Ja Wằm, ngành chức năng đã xây dựng khu tái định cư tại xã để di dời người dân ra khỏi rừng. Người dân được cấp đất ở, đất sản xuất. Đặc biệt, tại đây các công trình an sinh - xã hội như hệ thống đường giao thông, điện lưới, trường học, trạm xá, hệ thống nước sạch... đã được đầu tư. Nhờ đó, tất cả con em của các hộ dân được đến trường, không còn mù chữ, các công tác xã hội khác cũng được đảm bảo.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế cũng được ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk triển khai đồng bộ, nhằm phát triển vùng DTTS. Chị H’Nân Ayun (buôn Mtá, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, gia đình có hơn 1,5ha cà phê, 10 năm trước do thiếu vốn sản xuất, canh tác theo tập quán nên năng suất cây trồng rất thấp, thu nhập không đủ ăn, nhiều năm liền là diện hộ nghèo của xã. Từ năm 2019, được Hội Phụ nữ xã Ea Bhốk vận động tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, gia đình chị mạnh dạn vay 130 triệu đồng vốn ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin để đầu tư mua phân bón, thuốc trừ sâu và chăm sóc vườn cà phê đúng kỹ thuật. Nhờ vậy, năng suất vườn cà phê của gia đình chị những năm gần đây đã tăng rõ rệt, giúp gia đình thoát nghèo.
Theo lãnh đạo UBND huyện Cư Kuin, các chương trình, dự án chính sách để phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS đang được ưu tiên triển khai. Hiện nay, tại huyện Cư Kuin đang triển khai xây dựng Dự án hồ chứa nước Yên Ngựa với tổng mức đầu tư 305 tỷ đồng. Đây là dự án được người dân đặt nhiều kỳ vọng, sau khi hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 750ha cây trồng và phục vụ sinh hoạt, cải thiện môi sinh, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào trong khu vực. Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk, từ năm 2016 đến nay, chính quyền các cấp trong tỉnh phối hợp Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động 1.654 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo… tham gia thực hiện 86 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; vận động 11.162 hộ ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới tham gia 553 dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; 895 hộ tham gia 46 dự án hỗ trợ trồng trọt, chăn nuôi… Nhờ đó, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, đến nay số hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm xuống còn 17,4%.
Tỉnh Đắk Lắk có dân số khoảng 1,9 triệu người với 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 35,7%. Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách an sinh - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 143.000 lao động. Đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,23%; đạt 100% thôn buôn có điểm trường hoặc lớp mẫu giáo. Toàn tỉnh hiện có 168 công trình cấp nước tập trung nông thôn.
Mai Cường