Khởi sắc ở vùng đồng bào Khmer ở huyện Phước Long

(Mặt trận) -Từ các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Trung ương và tỉnh trong suốt thời gian qua huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đã tạo “bứt phá” về phát triển kết cấu hạ tầng. Qua đó, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng khởi sắc.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Trồng rau, màu giúp nhiều đồng bào dân tộc Khmer tại xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu có thu nhập ổn định.

Huyện Phước Long có gần 1.300 hộ đồng bào dân tộc Khmer với 4.800 khẩu, sống tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây, Phước Long và thị trấn Phước Long. Thời gian qua, huyện đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc.

Tại những vùng quê có đông đồng bào Khmer sinh sống của huyện Phước Long, giờ đây không khó để bắt gặp những căn nhà tường khang trang, những con đường giao thông trải nhựa phẳng lì, hay những tuyến lộ bê tông thẳng tắp giúp người dân lưu thông dễ dàng cả hai mùa mưa nắng. Cùng với đó, những công trình dân sinh như: điện, trường, trạm… được đầu tư, xây mới đã khắc họa bức tranh làng quê ngày càng đổi mới với những gam màu tươi sáng.

Ông Danh Tuấn - ngụ ấp Long Đức, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long chia sẻ: Trước đây đời sống đồng bào Khmer ở địa phương gặp nhiều khó khăn, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến nay đa số bà con có cuộc sống ổn định. Kinh tế ngày càng phát triển, bà con cũng ngày càng quan tâm thực hiện tốt các phong trào do địa phương phát động, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới. Bà con quan tâm chăm chút nhà cửa, cảnh quan môi trường xung quanh ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp.

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên trong đồng bào Khmer cũng ngày càng phát huy. Đến nay, đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân đồng bào Khmer cần cù, chịu khó, vươn lên làm giàu chính đáng và trở thành những nhân tố mới, tấm gương điển hình để mọi người noi theo.

Điển hình như gia đình bà Trương Thị Út (ấp Bình Tốt A, xã Vĩnh Phú Tây) nhờ được đầu tư vốn nên đã vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Chồng bà Út là ông Lê Văn Tánh là thương binh hạng 2/4. Cơ thể không lành lặn, nhưng với ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, vợ chồng bà đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhận thấy hoàn cảnh gia đình bà Út, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Phú Tây nhận ủy thác tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 17 triệu đồng, để có vốn làm ăn. Đến nay, gia đình bà Út được công nhận thoát nghèo, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

Ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông có 256 hộ đồng bào Khmer sinh sống. Nhờ được thụ hưởng các chính sách dân tộc lồng ghép với các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng nông thôn mới mà đời sống của người dân nơi đây ngày càng cải thiện.

Ông Sơn Diễn - Trưởng ấp Vĩnh Lộc cho biết, trước đây, thu nhập của người dân của ấp còn bấp bênh, thu nhập chủ yếu đến từ việc đi làm thuê, nhiều gia đình nghèo và cận nghèo. Sau khi được sự hỗ trợ của chính quyền, nhiều gia đình đã đầu tư thuê đất để trồng màu, chuyển đổi cây trồng, chăn nuôi. Nhờ vậy những năm gần đây thu nhập của nhiều hộ gia đình ổn định hơn, đời sống dần cải thiện.

“Tuy tỷ lệ hộ nghèo còn trên 3% nhưng bà con không còn phải lo cho cái ăn như trước; nhà cửa cũng không không còn lụp xụp. Hầu hết các gia đình có phương tiện nghe nhìn, có xe gắn máy phục vụ nhu cầu đi lại” - ông Diễn thông tin thêm.

Ông Lâm Hồ Nguyễn - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long cho biết: Để nâng cao đời sống đồng bào Khmer trên địa bàn, UBND xã xây dựng nhiều mô hình sản xuất phù hợp để bà con áp dụng như mô hình trồng ngô nếp, rau má, rau cần nước, nuôi lươn, nuôi trâu… Thông qua các mô hình này, người dân áp dụng vào sản xuất có thu nhập ổn định, vừa thực hiện hiệu quả giảm nghèo vừa phát triển kinh tế, gia đình vươn lên khá giả.

Theo ông Dương Văn Cẩm - Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Phước Long, thời gian qua huyện luôn quan tâm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển vùng đồng bào dân Khmer trên địa bàn. Đến nay, tất cả các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đều có đường ô tô đến trụ sở UBND xã; các ấp đều có đường được bê-tông hóa, 100% bà con được sử dụng điện lưới quốc gia, được sử dụng nước sạch...

Ông Trần Văn Ân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long cho biết: Thông qua các chương trình lồng ghép, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer trên địa bàn huyện đã giảm xuống còn đưới 4%.

“Để tiếp tục nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần đồng bào Khmer trên địa bàn, huyện Phước Long sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là chính sách chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới” - ông Ân nói.

Nguyên Du