Khởi sắc làng Chăm

(Mặt trận) -Đồng bào dân tộc Chăm có truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời, đặc biệt là lúa nước. Với sự hỗ trợ chính sách của Nhà nước, người Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã không ngừng phát triển kinh tế vươn lên làm giàu.

Hướng Hóa tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập

Diện mạo mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận

 Các ngành, nghề thủ công truyền thống của người Chăm tại Bình Thuận đang được bảo tồn và phát triển (trong ảnh: Người dân thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp sản xuất gốm gọ).

Diện mạo mới

Đến những xã thuần đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện nay, một điều dễ nhận ra là hầu hết các con đường lớn nhỏ trong xã đều đã được bê tông hóa. Có đến hơn 90% con đường ở các xã đã được cứng hóa, điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư hoàn thiện. Đây là một trong những thành quả mà nhiều năm qua các cấp, các ngành đã đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ đầu tư cho cơ sở hạ tầng mà nhiều chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước đã phát huy tác dụng, giúp đời sống của người dân được nâng lên. Trường hợp của bà Đặng Thị Mộng Oanh, ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp là một ví dụ. Những năm 2000, gia đình bà Oanh là một trong những hộ khó khăn của xã. Ruộng ít, nghề nghiệp cũng không nên gia đình bà Oanh phải chạy gạo từng bữa. Năm 2003, bà Oanh cùng với hàng chục hộ dân khác ở xã Phan Hiệp được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mỗi hộ 20 triệu đồng để mua 1 con bò cái. Có bò, bà Oanh dồn sức chăm sóc, 2 năm sau nhà bà Oanh có con bò thứ 2. Gia đình bà quyết định giữ lại để nhân giống. Đến năm 2018, đàn bò nhà bà Oanh đã lên đến 15 con. Bà quyết định bán hơn nửa số bò và xây được ngôi nhà 150 triệu đồng, số tiền còn dư bà tiếp tục đầu tư vào sản xuất… Không chỉ gia đình bà Oanh mà đến nay đã có 1.423 hộ đồng bào dân tộc Chăm được vay tổng số tiền hơn 9,4 tỷ đồng mua 1.878 con bò cái sinh sản. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ dân đã có nguồn thu nhập vươn lên phát triển kinh tế. Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Bình Thuận được xem là đòn bẩy đưa kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi lên. Đời sống người dân khá lên nhưng cơ sở vật chất, điện đường trường trạm còn nhiều khó khăn. Việc đưa vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ một lần nữa giúp 3 xã thuần đồng bào Chăm ở Bắc Bình phát triển theo hướng hiện đại. Qua việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng các xã đã cơ bản hoàn thiện. 3 xã đều có hệ thống nhà văn hóa từ xã đến thôn. Trạm y tế, trường học đã được đầu tư nâng cấp hoặc xây mới giúp người dân 3 xã được hưởng dịch vụ tốt hơn. Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện ở các xã đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải. Đường trục thôn và đường liên thôn đã được cứng hóa 100%. Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, sự chung tay góp sức của người dân đến cuối năm 2017, 3 xã thuần đồng bào Chăm ở huyện Bắc Bình là Phan Thanh, Phan Hiệp và Phan Hòa đã đạt danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc thực hiện nông thôn mới ở 3 xã còn đạt được một bước tiến mới vững chắc hơn là sự thay đổi về tư duy sản xuất, từng bước phát triển mô hình kinh tế tập thể tại địa phương. Người dân ở đây có kinh nghiệm trồng lúa lâu đời cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp năng suất lúa ở đây gần như cao nhất cả tỉnh. Việc sản xuất lúa ở 3 xã Phan Thanh, Phan Hiệp và Phan Hòa đang dần phát triển theo hướng kinh tế hợp tác xã. Theo đó, hợp tác xã sẽ là nơi xâu đầu mối tìm đầu ra cho sản phẩm của xã viên. Tại xã Phan Hiệp, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Công Bình Đức đã có nhiều hoạt động cung ứng vật tư, lúa giống cho xã viên. Còn ở xã Phan Hòa, các loại cây chiến lược như: thanh long, mít, xoài, dừa, đu đủ, chuối, mãng cầu và các loại hoa màu có giá trị kinh tế cao đang được người dân tích cực chăm sóc. Đây là kết quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2015 - 2020 và đến năm 2025, mà Đảng ủy xã Phan Hòa đã đề ra từ năm 2018. Theo đó, từ nay đến năm 2025, xã Phan Hòa sẽ tập trung phát triển 5 loại cây trồng mới. Trong đó, tại khu vực đồng Cằng Răng (thôn Bình Thắng), đồng Ruộng Cút (thôn Bình Minh) và cánh đồng Ma Nương (thôn Bình Hòa) sẽ hình thành vùng chuyên canh cây thanh long với diện tích khoảng 35 ha. Ở những vùng có thổ nhưỡng tốt còn lại trong xã sẽ hình thành những khu vực trồng các cây: mít, xoài, dừa, đu đủ, mãng cầu. Còn tại xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, nếu trước đây, người dân vùng Chăm Phú Lạc chỉ dựa vào cây lúa với 3 vụ/năm, thì nay họ đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp. Để nông dân mạnh dạn chuyển đổi phải nhắc đến các công trình thủy lợi, các kênh mương nội đồng đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, kiên cố hóa. Có nước về, thì mọi vấn đề khó, khổ trước đây của thời tiết bỗng dưng trở thành lợi thế của những cây trồng. Nho và táo hiện nay là những cây trồng lợi thế và trở thành đặc sản của địa phương. Hiện toàn xã có gần 1 ha nho hồng nhật, 22 ha nho xanh và 18 ha táo trồng giàn có phủ lưới. Thời tiết nắng gắt và gió nhiều là bất lợi trong canh tác nhưng lại là điểm cộng cho cây trái nơi đây thêm ngon, giòn và ngọt hơn. Người dân xã Phú Lạc còn tạo ra những sản phẩm đặc trưng như sản phẩm “Gạo Sông Lòng Sông” của cơ sở xay xát lương thực Mỹ Phố, đã được phân hạng 3 sao chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP năm 2020. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất và phát huy tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên đời sống của các hộ dân vùng đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh đã khá hơn, đạt mức thu nhập bình quân hơn 40 triệu đồng/người/năm.

 Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đời sống người Chăm ngày một khá lên (trong ảnh là niềm vui của đồng bào dân tộc Chăm, xã Phan Hòa khi được mùa lúa).

Mai này làng Chăm

Dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và các chính sách thúc đẩy kinh tế, đời sống của đại bộ phận người đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh đã ổn định và nâng cao. Người dân đã tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Và trong tương lai không xa, những giá trị văn hóa của người đồng bào dân tộc Chăm sẽ tiếp tục được duy trì phát triển. Việc tập trung phát triển nghệ thuật làm gốm của người Chăm là một ví dụ. Ngày 29/11/2022 “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Để có được thành quả trên thì đó là một chặng đường nghiên cứu lâu dài về gốm Chăm của các nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có các đề tài Nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, bộ và các trường đại học. Nhưng quan trọng hơn chính là các nghệ nhân, dòng tộc, gia đình người Chăm vượt qua mọi khó khăn về kinh tế để duy trì giữ lửa làng nghề vốn có lịch sử hàng thế kỷ. Mừng vì làng nghề thủ công truyền thống của dân tộc Chăm được vinh danh, nhưng thu nhập từ nghề thủ công cha ông để lại so với những ngành nghề khác còn thấp. Nỗi lo cơm áo, gạo tiền đang đè nặng lên đôi tay của những người nghệ nhân làng gốm gọ Bình Đức. Trước tình hình đó, ngày 19/8/2021, UBND tỉnh Quyết định phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình”. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang từng bước phối hợp với UBND huyện Bắc Bình và các sở, ngành liên quan xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình kế hoạch, dự án… bảo tồn phương thức và kỹ thuật làm gốm truyền thống. Xây dựng Nhà Trưng bày sản phẩm gốm, kết hợp trình diễn nghệ thuật làm gốm, nung gốm và các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Chăm phục vụ du khách tham quan. Đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hóa trong thực hiện bảo tồn và phát triển nghề gốm Chăm Bình Đức. Xây dựng và phát triển các tour, tuyến du lịch đến tham quan, khám phá, trải nghiệm làng gốm Chăm Bình Đức. Một tin vui nữa đến với người đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, UBND huyện Bắc Bình đã bố trí nguồn vốn 600 triệu đồng hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn: Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, Bình Minh, xã Phan Hòa và Mai Lãnh, xã Phan Thanh. Đây là nguồn vốn để bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch… Với sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, sự chịu khó làm ăn vươn lên của người dân, trong tương lai không xa, đời sống của đồng bào Chăm sẽ ngày một khởi sắc.

PHAN LIÊN – TRÚC HÀ