Khơi dậy nguồn lực

(Mặt trận) -Đồng Nai có gần 2,3 triệu tín đồ thuộc 11 tôn giáo, chiếm trên 70% dân số toàn tỉnh và đang tham gia ở hầu khắp các hoạt động kinh tế - xã hội.

Sóc Trăng: Nhiều kết quả từ công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tăng cường gắn kết giữa các tôn giáo, dân tộc

Tuyên Quang: Gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai tặng quà cho người dân khó khăn.

Do vậy, việc khơi dậy nguồn lực tôn giáo thực hiện hỗ trợ người khó khăn cùng các vấn đề an sinh xã hội khác được chú trọng.

* Đoàn kết vượt khó

Năm trước, ở thời điểm địa phương chịu nhiều tác động do dịch bệnh Covid-19, các tôn giáo đã đồng hành cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, sự kiện quan trọng của tỉnh và đất nước cũng như triển khai có hiệu quả các quy định phòng chống dịch, hỗ trợ người dân khó khăn, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Theo Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, trong hơn 1 năm qua, dù gặp nhiều trở ngại do dịch bện song Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, động viên đồng bào tín đồ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Các bên cũng đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến đồng bào tín đồ các tôn giáo trên toàn tỉnh.

Ngoài ra, đã có trên 450 tỷ đồng được 2 tổ chức tôn giáo huy động để thực hiện công tác an sinh xã hội. Trong đó, thời điểm phòng, chống dịch Covid-19, đồng bào Phật giáo và Công giáo đã đóng góp trên 200 tỷ đồng để mua thiết bị y tế, tặng quà cho người dân gặp khó khăn. Có 653 chức sắc, chức việc, tu sĩ, tín đồ đã tham gia tuyến đầu chống dịch.

Hòa thượng Thích Nhật Quang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh chia sẻ, trước tình trạng quá tải, thiếu thốn nhân lực làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các bệnh viện, khu cách ly, Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương huy động được 84 tình nguyện viên là tăng, ni, thanh niên Phật giáo tham gia tuyến đầu phòng chống dịch bệnh. Các tình nguyện viên đã phát huy tốt vai trò không chỉ về chuyên môn mà còn góp phần động viên tinh thần cho người bệnh, nhân viên y tế.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, huyện, thành phố chủ động kết nối nguồn lực xã hội để thực hiện các hoạt động trợ giúp nhân đạo cho phật tử, người dân còn gặp cảnh thiếu thốn trong cuộc sống. Mỗi chức sắc ở từng cơ sở tự viện cũng có những hoạt động trợ giúp bà con khó khăn ngay tại nơi đóng chân. Như mới đây, trong quá trình tổ chức Đại lễ Phật đản, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã trao tặng 500 phần quà cho hội viên Hội Người mù các huyện, thành phố, bà con hoàn cảnh khó khăn thuộc nhiều thành phần tôn giáo khác.

Tương tự, các chức sắc, tu sĩ, đồng bào Công giáo, Tin lành còn tích cực ủng hộ các chính sách, biện pháp trong công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Giám mục Chính tòa Giáo phận Xuân Lộc Đỗ Văn Ngân cho hay, ủng hộ Lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước về nhân lực tham gia tuyến đầu chống dịch, đã có gần 600 linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giới trẻ Công giáo tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, tại các bệnh viện dã chiến, trung tâm y tế, khu cách ly tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Các bệnh viện, khu cách lý đều đánh giá rất cao tinh thần phục vụ, ý thức kỷ luật của các vị chức sắc, chức việc tôn giáo trong quá trình tham gia phục vụ. Tòa giám mục Xuân Lộc đã ủng hộ thông qua MTTQ các cấp 800 triệu đồng, 5 tấn gạo, 6 máy thở dòng cao với tổng giá trị 3 tỷ đồng để góp sức cùng tỉnh đẩy lùi dịch bệnh.

Còn mục sư Nguyễn Duy Hải, Ủy viên Ban đại diện Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Chi hội Tin lành Bến Gỗ (P.An Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, thông qua nhiều nguồn lực, các chi hội của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) tại Đồng Nai đã thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trợ giúp đồng bào gặp khó khăn, hỗ trợ chính quyền địa phương phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, các chức sắc, chức việc tôn giáo còn tình nguyện để chính quyền địa phương sử dụng cơ sở vật chất làm nơi diễn ra các hoạt động tiêm vaccine, truy vết ca bệnh.

* Hỗ trợ người khó khăn, góp sức xây dựng quê hương

Tiếp nối những kết quả đạt được, theo ông Cao Văn Quang, trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai sẽ phối hợp cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết trong lòng dân tộc, vận động đồng bào tín đồ chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ các cấp chăm lo cho người khó khăn, xây dựng quê hương. Cụ thể, các tôn giáo sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết trong lòng dân tộc, vận động đồng bào tín đồ chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Tích cực vận động đồng bào tín đồ tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của tỉnh và địa phương trong năm 2022. Triển khai cụ thể các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2026…

 Các ni sư tại Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam H.Long Thành chuẩn bị quà tặng cho bà con khó khăn trong dịp tổ chức đại lễ Phật đản.

Thượng tọa Thích Huệ Sanh, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai cho hay, nguồn lực của tôn giáo cả về vật chất lẫn tinh thần là rất lớn. Phật giáo tỉnh rất mong muốn đóng góp vào việc nâng cao đời sống nhân dân, sự phát triển của đất nước, địa phương. Để hoàn thành điều này, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống Hộ quốc an dân, vận động đồng bào tín đồ chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ các cấp, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, an sinh xã hội, trợ giúp người dân còn khó khăn, bảo vệ môi trường thông qua hoạt động trồng cây gây rừng, thả cá phóng sinh…

Còn linh mục Trần Xuân Thảo, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh cho biết, phong trào yêu nước trong đồng bào công giáo ngày càng được nâng cao, nhất là trong thời điểm dịch bệnh vừa qua được thể hiện rõ. Để có được kết quả này thì sự gắn kết giữa đồng bào tôn giáo với chính quyền, với đất nước, với dân tộc ngày càng bền chặt, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.

Hiện Đồng Nai là tỉnh có số lượng tăng, ni và hàng giáo phẩm nhiều nhất cả nước với gần 5.769 tăng ni và hơn 1 triệu phật tử. Về Công giáo, toàn tỉnh hiện có hơn 270 giáo xứ với trên 650 linh mục và gần 1,2 triệu giáo dân. Riêng Tin lành hiện có 35 chi hội với hơn 200 chức sắc, chức việc và gần 19 ngàn tín đồ.

Sông Thao