Kbang phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Đội ngũ người có uy tín ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) không chỉ góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn là “cầu nối” giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với người dân trong việc xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Hướng Hóa tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập

Diện mạo mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận

Nhiều đóng góp tích cực

Ông Đinh Thai-người có uy tín ở làng Pơ Ngăl (xã Kông Lơng Khơng) cho biết: Cùng với việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ông còn tích cực vận động bà con giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp; bài trừ những tập tục lạc hậu. Ông vận động bà con tham gia tập luyện cồng chiêng. Nhờ vậy mà làng có đến 3 đội cồng chiêng (cồng chiêng nữ, người lớn và cồng chiêng nhí) với hơn 120 người thường xuyên biểu diễn tại các lễ hội trong và ngoài huyện. Ngoài ra, ông cũng tích cực cùng Chi hội Phụ nữ làng truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ để góp phần giữ gìn nghề truyền thống; vận động các nghệ nhân, người cao tuổi đưa những làn điệu dân ca, sử thi của người Bahnar vào những hội diễn nghệ thuật quần chúng.

Cũng với vai trò người có uy tín, ông Đinh Đuih (thôn 1, xã Đak Smar) luôn đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ trồng lúa rẫy, ông chuyển sang lúa nước 2 vụ, trồng cao su, cà phê xen canh mắc ca, trồng mì cộng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, mỗi năm, ông thu về hơn 300 triệu đồng. Từ kết quả này, ông vận động người dân trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, hiện thôn chỉ còn 12 hộ nghèo, người dân đoàn kết, biết giúp nhau phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định.

 Ông Đinh Thai (làng Pơ Ngăl, xã Kông Lơng Khơng) tích cực vận động người dân giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong khi đó, ông Bàn Văn Thịnh (thôn 2, xã Lơ Ku) cho biết: Lơ Ku là xã có tỷ lệ tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao so với mặt bằng chung của huyện. Với vai trò người có uy tín của thôn, ông đã chủ động phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể của làng tuyên truyền, vận động để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn. “Tôi thường xuyên đến từng hộ dân để phân tích cho bà con hiểu về tảo hôn là vi phạm pháp luật, để lại nhiều hệ lụy. Mặt khác, tôi cũng phối hợp với cán bộ thôn, xã kiểm tra việc đăng ký kết hôn, lập biên bản các cặp chưa đủ tuổi chuẩn bị cưới và báo cáo với chính quyền để can thiệp kịp thời. Nhờ vậy, đến thời điểm này, thôn 2 không còn nạn tảo hôn”-ông Thịnh cho biết.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Kbang còn rất nhiều tấm gương người có uy tín điển hình tiêu biểu khác đã và đang có nhiều đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới ở địa phương; tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Bahnar giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngăn chặn nạn tảo hôn...

Hỗ trợ, động viên kịp thời

Trao đổi về những đóng góp quan trọng của đội ngũ người có uy tín trên địa bàn, ông Trần Văn Nhơn-Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-khẳng định: “Nhiều nội dung, chương trình mà địa phương phân công cán bộ, công chức xuống triển khai nếu không có sự phối hợp, tham gia của già làng, người có uy tín thì chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Bên cạnh đó, người có uy tín còn tham gia hòa giải các vụ tranh chấp, mâu thuẫn của người dân ở các thôn, làng, không để phát sinh thành “điểm nóng”.

Theo ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: Người có uy tín thực sự là lực lượng nòng cốt, “cầu nối” quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, đóng góp tích cực trong phong trào thi đua yêu nước; tuyên truyền, vận động đồng bào phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, họ còn kịp thời giải quyết những bức xúc, nổi cộm của người dân ngay từ cơ sở, tránh những trường hợp mâu thuẫn kéo dài, khiếu kiện vượt cấp, giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn. Bằng uy tín của mình, họ đã vận động người dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới, chăm lo sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo.

 Người có uy tín điển hình, tiêu biểu năm 2023 được tặng giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Kbang

Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang thông tin: Hiện trên địa bàn huyện có 76 người có uy tín. Đội ngũ này sinh sống trực tiếp tại địa bàn dân cư nên có điều kiện nắm tình hình, tuyên truyền, vận động sát cơ sở. Do vậy, huyện luôn tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để người có uy tín phát huy hết khả năng, vai trò, ảnh hưởng tích cực của mình trong cộng đồng; kịp thời biểu dương, khen thưởng những người có uy tín có thành tích trong lao động, sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người có uy tín; đồng thời, đề xuất ban hành quy chế quy định cụ thể về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của người có uy tín để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ này trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương”-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang nhấn mạnh.

MINH PHƯƠNG