Ia Mlah phát huy vai trò già làng, người uy tín

(Mặt trận) -Bằng kinh nghiệm và uy tín của mình, những già làng, người có uy tín ở xã Ia Mlah (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã phát huy vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Xã Ia Mlah hiện có 669 hộ người dân tộc thiểu số, chiếm gần 78% số hộ toàn xã. Xã có 4 già làng, người có uy tín tại 4 buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên đội ngũ già làng, người có uy tín. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp những thông tin liên quan đến tình hình chung trên địa bàn cho các già làng, người có uy tín.

Từ đó, đội ngũ này đã phát huy tốt vai trò hạt nhân trong cộng đồng, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là bài trừ các tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo, thực hiện tốt quy ước, hương ước của buôn làng.

Già làng Kpă Y Phiar (buôn Tân Tuk) cho hay: Được bà con tin tưởng bầu làm già làng, ông luôn gương mẫu và tích cực tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, từng bước đẩy lùi và loại bỏ những hủ tục. Bên cạnh đó, ông hướng dẫn, động viên người dân tích cực lao động sản xuất, giảm nghèo và tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đoàn kết xây dựng nông thôn mới.

“Ngoài việc hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, tôi còn tích cực vận động các gia đình trong buôn không được cho con cháu kết hôn khi chưa đủ tuổi quy định, hôn nhân cận huyết thống. Tôi cũng phối hợp với cán bộ của buôn tổ chức hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong dòng họ, tranh chấp đất đai trong nội bộ dân làng để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”-ông Y Phiar chia sẻ.

 Trung tâm xã Ia Mlah nhìn từ trên cao. 

Còn già làng Kpă Jao (buôn Chính Hòa) thì cho biết: Để người dân tin tưởng và làm theo, trước hết mình phải gương mẫu, nói được, làm được. Do đó, ông luôn cố gắng tìm tòi, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ lo nghĩ cho bản thân, mỗi khi bà con trong buôn cần, ông đều đứng ra giúp đỡ, nhất là trong phát triển kinh tế. Ông thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

“Tôi thường xuyên phối hợp với các đoàn thể tổ chức tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới, vận động bà con đóng góp ngày công, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời, tôi cũng tuyên truyền bà con không đập bò, đập heo để cúng khi đau ốm. Khi trong nhà có người ốm phải đưa đến bệnh viện để khám, chữa trị. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia hòa giải những mâu thuẫn của bà con trong buôn”-già làng Kpă Jao chia sẻ.

Bên cạnh đó, đội ngũ già làng, người có uy tín góp phần quan trọng trong công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi, đối tượng tù tha về tái hòa nhập cộng đồng; giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện, hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, các già làng, người có uy tín phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể xã Ia Mlah trực tiếp đứng ra tổ chức 45 buổi tuyên truyền, vận động, thu hút hơn 3.700 lượt người dân tham dự.

 Già làng Kpă Jao (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah, huyện Krông Pa) luôn gương mẫu, nói đi đôi với làm.

Ông Ksor Nhê-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Mlah-cho biết: Những năm qua, đội ngũ già làng, người có uy tín đã tích cực vận động người dân chấp hành các quy định trong quy ước, hương ước của buôn, từng bước xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang; vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh; thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phong trào xóa đói giảm nghèo, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội tại địa phương; tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”-ông Nhê thông tin thêm.

LÊ NAM