Huyện Lạc Thủy tích cực hỗ trợ việc làm bền vững

(Mặt trận) -Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hỗ trợ việc làm bền vững. Tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình có 5/7 dự án của chương trình được thực hiện, trong đó, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững đã tác động trực tiếp đến kết quả giải quyết việc làm, công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Người dân tìm hiểu thông tin tại phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy). 

Đến thời điểm này, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2024 đã hoàn thành đảm bảo tiến độ giải ngân. Theo đó, với tổng nguồn vốn 1,5 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, 98 con bò thuộc dự án chăn nuôi bò sinh sản đã được cấp cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo thuộc các xã Hưng Thi, Phú Thành và thị trấn Ba Hàng Đồi. Nhờ tiếp sức của chương trình, các hộ xây dựng, gia cố chuồng trại, trồng cỏ, tích trữ rơm rạ, tích cực tập huấn kỹ thuật trước khi nhận bò dự án. Công việc chăn nuôi của bà con thuận lợi, từng bước ổn định sinh kế. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí 800 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã Phú Nghĩa với 58 con bò được cấp cho hộ dân hưởng lợi, kinh phí 800 triệu đồng.

Công tác giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững được quan tâm. Trong năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tuyển sinh 6 lớp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tuyển sinh 4 lớp học nghề tại các vùng nghèo, vùng khó khăn, học viên tham gia thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số. Ngành nghề đào tạo gồm chăn nuôi, trồng trọt và một số nghề phi nông nghiệp. Sau học nghề, lao động phát huy kiến thức, tay nghề vào công việc sản xuất của gia đình, tạo việc làm tại chỗ. Số lao động sau khi đào tạo nghề phi nông nghiệp được kết nối việc làm, một bộ phận chủ động tự tìm việc làm tại các doanh nghiệp, xưởng sản xuất tư nhân tại địa phương.

Đặc biệt, huyện chú trọng triển khai hoạt động Tiểu dự án 3 - hỗ trợ việc làm bền vững. Trong quý IV, UBND huyện phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm lưu động tại 10/10 xã, thị trấn, thu hút sự tham gia của trên 2.000 người trong lực lượng lao động trẻ, đoàn viên thanh niên, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, chưa có việc làm ổn định. Thông qua đó tạo đợt tuyên truyền, phổ biến thông tin thị trường lao động rộng khắp. Phát huy vai trò cầu nối, các phiên giao dịch giúp doanh nghiệp, nhà tuyển dụng có cơ hội gặp gỡ, tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển dụng nhân lực; người lao động tìm hiểu, lựa chọn việc làm phù hợp với năng lực, trình độ, điều kiện của bản thân. Các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được thông tin, tuyên truyền để người lao động nắm bắt, tiếp cận.

Theo đồng chí Lê Thanh Thỏa, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Thủy, nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Các chỉ tiêu công tác giải quyết việc làm, lao động qua đào tạo, giảm nghèo được thực hiện tốt. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện còn 7,45%, hộ cận nghèo còn 8,45%. Năm 2024, huyện tạo việc làm, việc làm mới cho gần 1.000 lao động, trong đó có 80 người tham gia thị trường xuất khẩu lao động; đạt 110,2% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61,3%. Theo kết quả điều tra rà soát cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 4,95%.

 Bùi Minh