Huyện Kim Bôi: Nỗ lực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đó góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, giúp đồng bào dân tộc yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nông dân xã Hùng Sơn (Kim Bôi) phát triển mô hình chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Góp phần tạo sinh kế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vùng DTTS trên địa bàn và xây dựng NTM, thời gian qua, các ngành, đơn vị chuyên môn huyện Kim Bôi đã phối hợp triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình kinh tế, khởi nghiệp, liên kết sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 30 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 17 trang trại chăn nuôi. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 45 lớp chuyển giao KHKT được tổ chức với trên 2.000 học viên tham gia; trên 1.000 lao động địa phương được giải quyết việc làm; từ nguồn vốn 120 đã thu hồi, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải quyết cho vay 179 dự án trong toàn huyện.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng,Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Kim Bôi cho biết: Với vai trò là thành viên của MTTQ, thời gian qua, HND các cấp trong huyện đã phát huy vai trò nòng cốt, gần gũi, gắn bó, tuyên truyền, vận động nông dân, nhất là nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS thực hiện các mô hình nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng KHCN, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi...

6 tháng đầu năm, với sự đồng hành của các cấp, ngành, địa phương, tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn được duy trì, giá các sản phẩm chăn nuôi tiếp tục giữ ổn định. Các chính sách hỗ trợ hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được triển khai hiệu quả, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS có việc làm, thu nhập ổn định. Để cải thiện đời sống hội viên, phát huy vai trò của tổ chức hội, HND huyện tiếp tục tăng cường các hoạt động đồng hành, hỗ trợ hội viên, đặc biệt là nông dân người DTTS trong việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp sản phẩm rau củ quả, cây ăn quả có múi theo quy trình VietGAP; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau đảm bảo ATTP, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP...

Song song với tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS, kết cấu hạ tầng KT-XH dần được hoàn thiện từ nguồn vốn ngân sách huyện và các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án. Trong 6 tháng, toàn huyện xây dựng mới hơn 9 km và nâng cấp, sửa chữa hơn 5 km đường giao thông nông thôn; xây mới 1 ngầm, sửa chữa, nâng cấp 3 km kênh mương và 8 hồ, đập; xây dựng mới 4 công trình, sửa chữa, nâng cấp 28 công trình trường học. Ngoài ra, các thủ tục đầu tư được chuẩn bị để xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 13 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng các xóm.

Để đồng bào các dân tộc yên tâm, tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, hỗ trợ người nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho vùng đồng bào DTTS... tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ và thực hiện có hiệu quả.

Đồng chí Bùi Quang Hợp, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: Nhìn chung, công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện được thực hiện theo kế hoạch và đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng. Qua đó đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS ở các khu vực khó khăn vươn lên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, công tác giải ngân nguồn vốn kế hoạch Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 - 2023 còn chậm. Vẫn còn một số nội dung của chương trình chưa được các bộ, ngành T.Ư hướng dẫn cụ thể, có hướng dẫn nhưng chưa rõ ràng hoặc chưa có sự thống nhất giữa các văn bản của các bộ, ngành.

Để tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hiện, từ số vốn 181 triệu đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện đang phê duyệt kế hoạch và lựa chọn nhà thầu thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 4 "Nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa thông tin thị trường lao động, kết nối sàn giao dịch trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu”. Các dự án, tiểu dự án khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Thu Hằng