Huyện Kim Bôi (Hòa Bình): Chăm lo, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc

(Mặt trận) -Huyện Kim Bôi - Mường Động, tỉnh Hòa Bình là 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh, có nhiều đồng bào dân tộc (ĐBDT) sinh sống, trong đó, dân tộc Mường chiếm khoảng 75% dân số. Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), phát huy, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, tôn trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc - đồng chí Bùi Văn Điệp, Chủ tịch UBND huyện cho biết.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Huyện Kim Bôi chú trọng chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc. Ảnh chụp biểu diễn chiêng Mường tại lễ giao quân huyện năm 2021.

Huyện đã lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, triển khai các chính sách chăm lo phát triển đời sống ĐBDT. UBND huyện chỉ đạo thực hiện, phân cấp quản lý rõ ràng từng cấp, từng ngành đảm bảo thuận lợi và sát với thực tế, mục tiêu của các chính sách, chương trình đề ra. Những vướng mắc phát sinh được bàn bạc thống nhất giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, triển khai thực hiện. Các dự án được thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, đầu tư đúng mục đích, đối tượng, đạt hiệu quả cao, tạo được niềm tin và sự hưởng ứng của Nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện. Năm 2020, từ nguồn vốn Chương trình 135 được giao 23.672 triệu đồng, trong đó, thực hiện 22 công trình chuyển tiếp (kinh phí 12.200 triệu đồng), 29 công trình khởi công mới (kinh phí 11.472 triệu đồng), kế hoạch giải ngân bảo đảm. Công tác duy tu, bảo dưỡng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, chính sách hỗ trợ người có uy tín... được triển khai bảo đảm dân chủ, công khai, đạt hiệu quả tích cực. Phòng Dân tộc thực hiện 1 mô hình nuôi gà hữu cơ thả vườn cho các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), kinh phí thực hiện 300 triệu đồng; 1 mô hình phối giống nhân tạo đàn bò cho 10 xã ĐBKK, kinh phí thực hiện 274 triệu đồng. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo nuôi bò lai sinh sản tại 3 xã: Cuối Hạ, Mỵ Hoà, Đú Sáng, kinh phí thực hiện 1.490 triệu đồng, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Huyện đã thực hiện tốt công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư, phát triển sản xuất Chương trình 135; chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thay thế, bổ sung người có uy tín năm 2020 sau khi sáp nhập xã theo công văn hướng dẫn của Ban Dân tộc tỉnh. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống tiếp tục được đầu tư xây dựng và phát huy tác dụng. GRDP bình quân đầu người ước đạt 33 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,85% (hộ nghèo DTTS còn 10,63%), hộ cận nghèo 14,47%;  trong năm có thêm 1 xã về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới trên toàn huyện đến cuối năm 2020 đạt  3 xã, chiếm 17,64% tổng số xã; 100% xã có điện lưới quốc gia, đường ô tô đến trung tâm xã. Toàn huyện có 42 trường học đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên ở các cấp học. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Đến nay, có 12/17 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 98%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%.

Hệ thống chính trị xã hội khu vực nông thôn luôn được quan tâm, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, thôn, xóm, điều hành và giải quyết tốt những vấn đề phát sinh ở nông thôn; 17/17 xã, thị trấn có đầy đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định. An ninh, trật tự xã hội được giữ vững, ổn định. Các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy. ĐBDT tin tưởng chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng quê hương.

Lê Chung