Huyện Kim Bôi: Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong việc củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình tập trung thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

Ủy ban MTTQ tỉnh Kiên Giang trao 500 phần quà cho đồng bào Khmer

 Từ các chương trình, dự án hỗ trợ, người dân xã Đú Sáng (Kim Bôi) ứng dụng phương pháp canh tác hữu cơ, an toàn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Cuối năm 2020, từ sự quan tâm, tư vấn của các ngành, đoàn thể xã, gia đình bà Bùi Kim Thị, xóm Cuối, xã Cuối Hạ tham gia lớp chuyển giao KHKT, dạy nghề chăn nuôi gia súc tại địa phương. Sau khi học xong, thông qua cầu nối là các cấp Hội Nông dân, bà Kim được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi trâu. Với sự đồng hành của các ngành, đoàn thể địa phương, đến nay, cuộc sống gia đình dần ổn định hơn sau khi đàn trâu đã xuất chuồng được vài lứa. Gia đình bà có thêm điều kiện chăm lo đời sống cũng như việc học hành của con, cháu. Không riêng bà Thị, hàng nghìn hộ trên địa bàn huyện cũng được thụ hưởng các chính sách ưu đãi đối với vùng ĐBDTTS. 

Hiện, huyện có 4 xã vùng I, 7 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và 21 thôn ở các xã vùng I, II thuộc diện ĐBKK. Toàn huyện có 86% dân số là ĐBDTTS. Thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, huyện thực hiện hiệu quả việc lồng ghép nguồn vốn từ dự án ODA, Chương trình 135 và các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn phát triển sản xuất. Đồng chí Bùi Quang Hợp, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: Căn cứ định hướng phát triển KT-XH của từng vùng, nhu cầu của người dân, huyện đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đến người dân được hưởng lợi, đảm bảo đúng đối tượng, đủ số lượng, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, phân bổ chi tiết vốn thực hiện các chương trình, chính sách về hỗ trợ trực tiếp cho người dân nghèo vùng khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Từ đầu năm đến nay, với tổng kinh phí trên 17,11 tỷ đồng, UBND huyện phân bổ, giao cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi. Trong đó, Phòng Dân tộc thực hiện Dự án 1, Tiểu dự án 4 - Dự án 5, Dự án 6, Tiểu dự án 1, 3 - Dự án 10. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã chi tạm ứng trên 656 triệu đồng, dự kiến năm 2022 đạt kế hoạch giải ngân vốn giao 100%. Việc tạo sinh kế cho ĐBDTTS cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Đã có 15 lớp đào tạo nghề, tập huấn KHKT được tổ chức tại địa bàn các xã cho hàng trăm lượt người tham gia. Cấp ủy, chính quyền các cấp vận động, khuyến khích ĐBDTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Ngoài ra, các chính sách đối với người có uy tín trong ĐBDTTS được duy trì, thực hiện tốt. Công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho vùng ĐBDTTS được chú trọng. Việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Các di tích trọng điểm trên địa bàn huyện được hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tìm hiểu văn hóa địa phương, phát huy được giá trị di sản văn hóa...

Với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, đoàn thể, đến nay, 100% xã có ĐBDTTS sinh sống có đường giao thông kiên cố nối với vùng trung tâm xã. Chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng nâng cao; hệ thống trường học cơ bản được xây dựng kiên cố, khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của con em ĐBDTTS. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 92%; tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 96%; 100% xã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 24,03%.

 Thu Hằng