Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, xã hội, văn hóa ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Cùng với sự phát triển chung của cả nước, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số cũng chuyển biến tích cực trên tất cả lĩnh vực. Tuy nhiên, quá trình triển khai huy động, phân bổ, quản lý nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số cũng gặp không ít khó khăn, do đó cần có giải pháp căn cơ và đồng bộ để đạt được kết quả tốt hơn.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chung vui với đồng bào trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên _Nguồn: vov.vn

Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về huy động, phân bổ, quản lý nguồn lực cho phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số

Trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được đặt trong mục tiêu phát triển chung của đất nước. Đây là vấn đề lớn trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây duyên hải miền Trung”(1). Để bảo đảm nguồn lực cho phát triển vùng đồng bào DTTS, Kết luận số 65-KL/TW, của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc”(2). Việc bảo đảm nguồn lực cho phát triển vùng có đông đồng bào DTTS được Đảng tiếp tục khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đó là: “Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số”(3).

Quán triệt quan điểm của Đảng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều chính sách về huy động nguồn cho phát triển vùng DTTS, như Nghị quyết số 88/2019/QH14, của Quốc hội: “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, Nghị quyết số 120/2020/QH14, của Quốc hội, về “Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14-10-2021, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025” khi đề cập đến vấn đề huy động, phân bố, sử dụng, quản lý nguồn lực đã nêu rõ: “Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện Chương trình, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định; có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA; tăng cường huy động các nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài. Bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng”.

Với chủ trương, chính sách nêu trên có thể thấy rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), văn hóa ở vùng có đông đồng bào DTTS. Đây là yếu tố quyết định đưa đến thành công trong việc đầu tư các dự án ở vùng có đông đồng bào DTTS, nhằm thu hẹp về khoảng cách phát triển ở các vùng trong sự phát triển chung của cả nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, tỉnh Lai Châu _Nguồn: baosonla.org.vn 

Thực trạng huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo tập trung  nguồn lực để ưu tiên đầu tư ở vùng có đông đồng bào DTTS nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về KT-XH, văn hóa ở vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Trong giai đoạn 2011 - 2021, ngân sách nhà nước đã bố trí 246.654,5 tỷ đồng để đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển KT-XH, văn hóa ở vùng DTTS(4). Cùng với nguồn lực của Nhà nước và địa phương, việc huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý các nguồn lực để đầu tư phát triển KT-XH, văn hóa ở vùng có đông đồng bào DTTS đã thu hút được các nguồn lực xã hội hóa, “như vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tổ chức phi chính phủ (NGO), Chương trình Chính sách phát triển (DPO) của Ngân hàng Thế giới (WB), các kế hoạch hỗ trợ nguồn lực của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các dự án của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Đại sứ quán Ai-len, của Quỹ Thiện Tâm - Vingroup và các nhà tài trợ khác,...”(5)Trong đó có các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi của các nước, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ dành cho Việt Nam. Các nguồn lực này đã có những đóng góp quan trọng trong đầu tư phát triển KT-XH ở vùng có đông đồng bào DTTS. Theo đó, “giai đoạn 2011 - 2021, nguồn vốn ODA đã huy động được 2,6 tỷ USD, vốn tổ chức phi chính phủ (NGO) khoảng 5,5 triệu USD, Chính phủ Ai-len viện trợ không hoàn lại 10 triệu EURO,...”(6) Từ đó gần 200 dự án giảm nghèo và an sinh xã hội, khoảng 250 dự án về giáo dục, đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm đã được triển khai tại vùng có đông đồng bào DTTS. Dù chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tế, nhưng so với các giai đoạn trước, hiệu quả huy động các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư nước ngoài này đã góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, phát triển nguồn nhân lực vùng có đông đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc.

Các nguồn lực này đã được phân bổ, sử dụng và quản lý để đầu tư cho các lĩnh vực, như phát triển hạ tầng, đặc biệt là cho phát triển hệ thống giao thông chiếm khoảng 50%; phát triển nông nghiệp và nông thôn, bao gồm giao thông, mạng lưới điện nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt và phát triển sản xuất, như trồng và chế biến nông lâm sản khoảng 13%; đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, vệ sinh môi trường và khoa học - công nghệ... khoảng 12%. Nhờ các nguồn lực này, diện mạo vùng có đông đồng bào DTTS ngày càng được thay đổi, khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo đã giảm so với trước đây(7).

Việc huy động, sử dụng các nguồn lực khoa học và công nghệ (KH&CN) được chú trọng thông qua chương trình, chính sách phát triển KH&CN, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Trong giai đoạn 2011 - 2020, Chính phủ đã ban hành 11 chương trình KH&CN có liên quan đến vùng có đông đồng bào DTTS, thu hút tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực, như khôi phục và phát triển làng nghề thủ công truyền thống của đồng bào DTTS, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực DTTS, xây dựng các mô hình quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, mô hình quản lý nước sạch, phát triển và ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp điện và nước nóng cho hộ gia đình DTTS... Kết quả đã chuyển giao 1.106 lượt công nghệ mới, bồi dưỡng và nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho trên 1.500 cán bộ quản lý khoa học và công nghệ các cấp, 4.153 cán bộ kỹ thuật viên và khoảng 92.000 lượt nông dân(8).

Nhờ huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý hiệu quả các nguồn lực này cho đầu tư nên đã góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH, văn hóa ở vùng có đông đồng bào DTTS. Trong giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở vùng DTTS luôn đạt khoảng 8%/năm, cao hơn bình quân của cả nước. Cùng với tăng trưởng, cơ cấu kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng có nhiều thay đổi theo hướng chuyển dịch tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; nông nghiệp cũng chuyển dần sang hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, nhiều địa phương đã áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và phát huy tiềm năng, thế mạnh tập trung sản xuất hàng hóa thích ứng với cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, tỷ lệ giảm nghèo đạt khoảng 2 - 3%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3 - 4%/năm(9).

Kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, gắn với sự phát triển KT-XH của vùng có đông đồng bào DTTS. Vì vậy, đến nay, 100% huyện có đường ô-tô được rải nhựa hoặc bê-tông hóa đến trung tâm huyện; 98,4% xã có đường ô-tô đến trung tâm xã. Đồng thời, thực hiện Đề án Xây dựng cầu dân sinh bảo đảm an toàn giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2015 đến nay, có 2.330 cầu đã khởi công xây dựng, giải quyết vấn đề đi lại cho đồng bào, nhất là trong mùa mưa, lũ. Bên cạnh đó, đến nay 100% xã và 97,2% thôn, bản có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 93,9%; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non; 99,3% xã có trạm y tế; 65,5% xã và 76,7% thôn, bản có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng.

Trên lĩnh vực phát triển giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực người DTTS đã có nhiều tiến bộ, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao. Theo đó, quy mô mạng lưới trường lớp ở vùng có đông đồng bào DTTS được củng cố phát triển từ mầm non, các cấp phổ thông đến đại học cao đẳng. Các chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo, nhất là chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên là người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện ổn định, kịp thời đã có tác động tích cực, tạo sự công bằng trong giáo dục, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào DTTS. Giai đoạn 2016 - 2020 có trên 8.000 nghìn người DTTS được hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó có 412 nghìn người ở nông thôn; có trên 4.620 lượt người lao động ở các huyện nghèo được hỗ trợ để đi lao động ở nước ngoài.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS đạt được những kết quả nhất định, đời sống về văn hóa của đồng bào có bước phát triển, cải thiện rõ rệt; các thiết chế văn hóa được tăng cường; các hoạt động văn hóa, giao lưu được tổ chức hằng năm. Chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình và chương trình đưa thông tin về cơ sở được quan tâm thực hiện. Hiện nay, có 67 đài phát thanh, truyền hình từ Trung ương đến địa phương đã phủ sóng đến vùng có đông đồng bào DTTS, trong đó phát sóng 22 thứ tiếng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, còn có hơn 100 tờ báo giấy thông qua hơn 16.000 điểm bưu điện văn hóa xã và trên 200 trang thông tin điện tử đưa tin phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến vùng có đông đồng bào DTTS.

Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được quan tâm đầu tư nên mạng lưới y tế ngày càng hoàn thiện. Đến nay có 98,4% xã có trạm y tế, trong đó có 90% xã có bác sỹ; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; có 96% thôn, bản có nhân viên y tế. Đến năm 2018 có 6,6 triệu người được cấp thẻ bảo hiểm y tế, đạt 93,51%. Về cơ bản, đồng bào DTTS đã có điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế các cấp.

Công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đông đồng bào DTTS luôn được quan tâm, đội ngũ cán bộ người DTTS ngày càng được tăng lên về số lượng, nâng lên về chất lượng. Đến nay, có 68.781 biên chế là người DTTS, chiếm 11,68% tổng biên chế của cả nước. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 162.120 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, chiếm 14,53%, (nữ giới chiếm 49,2%). Trong đó, 10.398 người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, chiếm 17,2%. Đi cùng với số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ người DTTS cũng được nâng lên, có hàng vạn lượt người được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức về tin học. Đội ngũ cán bộ người DTTS ngày càng được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn, đa dạng về thành phần dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý các nguồn lực để đầu tư phát triển KT-XH, văn hóa ở vùng có đông đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định, đó là: Hệ thống chính sách dân tộc nhiều về số lượng, nhưng còn tản mạn, dàn trải, thiếu tính đồng bộ. Trong đó, một số chính sách có mục tiêu lớn, nhưng thời gian thực hiện ngắn và thường gắn với nhiệm kỳ nên dẫn đến tình trạng gián đoạn và gây khó khăn cho việc huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý các nguồn lực. Bên cạnh đó, cùng một đối tượng, địa bàn, nhưng nhiều chính sách có nội dung trùng lắp, như đầu tư xây dựng đường giao thông hay chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt... Ngoài ra, một số nội dung chính sách chưa thực sự phù hợp với đặc điểm vùng, miền, văn hóa nên chưa phát huy được nội lực của địa phương và người dân. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, chính sách giảm nghèo thường có quy mô nhỏ, kinh phí không lớn, nhưng thủ tục hành chính về đầu tư và thanh quyết toán còn phức tạp. Một số chính sách vừa có nội dung đầu tư kết cấu hạ tầng, vừa có nội dung sinh kế và an sinh xã hội, nhưng thiếu cơ chế phân bổ nguồn lực để thực hiện đồng bộ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và các nguồn vốn được huy động. Việc phân cấp chưa phát huy tính chủ động của địa phương. Tình hình thế giới trong những năm qua có nhiều biến động, diễn biến phức tạp khó lường, thêm vào đó là dịch bệnh COVID-19 cũng tác động không nhỏ đến việc huy động các nguồn vốn. Vì vậy, việc huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý các nguồn lực để đầu tư đối với vùng có đông đồng bào DTTS, nhất là “Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung chưa đạt được như mong muốn. So với mặt bằng chung của cả nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thuộc diện khó khăn nhất”(10).

Những khó khăn, hạn chế trên được xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả cả khách quan và chủ quan:

Thứ nhất, vùng có đông đồng bào DTTS có địa hình hiểm trở, chia cắt nên giao thông đi lại hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, khí hậu khắc nghiệt; thiên tai, lũ ống, lũ quét, nước biển xâm nhập mặn... thường xuyên xảy ra.

Thứ hai, xuất phát điểm của vùng có đông đồng bào DTTS còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo còn cao và có xu hướng tăng lên rõ rệt, “Tỷ lệ hộ nghèo giữa các nhóm dân tộc cũng có sự chênh lệch lớn, vẫn còn nhiều nhóm DTTS có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%, cao gấp 8 lần so với bình quân chung của cả nước”(11). Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15-3-2022, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025”, hiện nay vùng DTTS còn 74 huyện nghèo.

Thứ ba, một số cấp ủy, chính quyền ở các địa phương nhận thức chưa đầy đủ về công tác dân tộc nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo để huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển KT-XH, văn hóa chưa thực sự quyết liệt; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn chậm, chưa chặt chẽ, đồng bộ.

Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, nhất ở cấp cơ sở chưa được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ, còn yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ và kinh nghiệm quản lý các chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Bên cạnh đó, ở vùng có đông đồng bào DTTS, là vùng các thế lực thù địch luôn tập trung lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây ra các “điểm nóng” để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Thứ năm, chưa chú trọng đúng mức phát huy tiềm năng, lợi thế, văn hóa của từng vùng, từng dân tộc; chưa thúc đẩy việc kết nối giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi với vùng phát triển; một số chính sách chưa tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, tự lập trong cuộc sống.

Hướng dẫn du khách thêu thổ cẩm (tác giả: Đào Văn Trà) _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Giải pháp về huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số

Bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta có nhiều thời cơ, vận hội mới để phát triển đất nước, nhưng cũng đưa đến nhiều nguy cơ, thách thức, tác động không nhỏ đến sự phát triển của cách mạng nước ta. Trên lĩnh vực công tác dân tộc, đất nước ta đã đạt được những kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để phát huy thành tựu đạt được, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, đồng thời khắc phục khó khăn, thách thức, tạo bứt phá trong huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý nguồn lực để đầu tư phát triển vùng có đông đồng bào DTTS trong giai đoạn tới cần thực hiện tốt, đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sử dụng, quản lý nguồn lực cho phát triển vùng DTTS. Cân đối bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS bảo đảm trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện tốt nội dung Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19-6-2020, của Quốc hội khóa XIV, về “Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”Đẩy mạnh “đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện chương trình; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân”(12).

Hai là, ưu tiên nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng kiên cố. Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông nhằm tạo ra sự liên kết vùng để thu hút đầu tư cho phát triển vùng DTTS. Để thực hiện vấn đề này, ngoài các tuyến cao tốc, các tuyến giao thông trọng điểm kết nối các vùng do Nhà nước đầu tư, các tỉnh có đông đồng bào DTTS cần tập trung xây dựng hệ thống giao thông nội bộ, nhất là các tuyến liên huyện, liên xã. Trong đó, cần ưu tiên nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng kiên cố nhằm bảo đảm đến năm 2025 có 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê-tông; 70% thôn có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa...; đến năm 2030 trên 85% xã, thôn vùng có đông đồng bào DTTS có đủ hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và đời sống của người dân. Việc đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ không chỉ thu hút được nguồn lực đầu tư cho phát triển KT-XH, văn hóa, mà còn góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, như lũ ống, lũ quét, khô hạn, nước biển dâng,...

Ba là, dành tỷ lệ hợp lý nguồn vốn đầu tư ngân sách cho nội dung dạy nghề, đào tạo kiến thức khoa học quản lý các chương trình, dự án phù hợp với các vùng KT-XH. Đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc từ Trung ương đến cơ sở, trong đó cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo mới, đào tạo lại. Để thực hiện tốt vấn đề này công việc cấp thiết là đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo cho hệ thống trường dân tộc nội trú, các trường chuyên biệt Dự bị Đại học Dân tộc, một số trường đại học, như Học viện Dân tộc, Trường đại học các Vùng núi và Trung du Bắc Bộ, Vùng Tây Nguyên, Tây duyên hải Miền Trung, Tây Nam Bộ. Dành tỷ lệ hợp lý nguồn vốn đầu tư ngân sách cho nội dung dạy nghề, kiến thức và kinh nghiệm làm ăn bằng các ngành, nghề nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ. Ưu tiên đào tạo nâng cao trình độ dân trí và trình độ nghề nghiệp cho đồng bào các DTTS trong độ tuổi lao động.

Bốn là, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước chi cho văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công - tư, xây dựng cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế, phí phù hợp với thực tiễn để thu hút nguồn lực. Bên cạnh đó, cần “Phát huy các lợi thế về tài nguyên rừng, khoáng sản, các cửa khẩu, văn hóa dân tộc đặc sắc, đa dạng và tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ...”(13). Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực, ổn định dân cư, ưu tiên bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của các dân tộc. Ưu tiên các chương trình, dự án cho phát triển KT-XH ở vùng có đông đồng bào DTTS có điều kiện đặc biệt khó khăn. Chú trọng đầu tư và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch, dịch vụ để tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường hấp dẫn thu hút nguồn lực đầu tư. Phát huy hiệu quả vai trò giám sát dân chủ ở cơ sở qua ý kiến của người dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể. Tiến hành thường xuyên và định kỳ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý nguồn lực.

Sáu là, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ theo các kênh ngoại giao của Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư; chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các chương trình, dự án phát triển KT-XH ở vùng có đông đồng bào DTTS. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về thực hiện cơ chế, chính sách và giải pháp tại Quyết định số 2152/QĐ-TTg, ngày 18-12-2020, của Thủ tướng Chính phủ, về việc “Phê duyệt Đề án kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” đến năm 2025”.

Có thể thấy, việc huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý nguồn lực đầu tư của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua ngày càng hiệu quả hơn, vùng có đông đồng bào DTTS đã có thay đổi tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cùng với nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, Hội nghị lần thứ sáu khóa XIII “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và hội nhập quốc tế, cần chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực của nền kinh tế để đầu tư phát triển, tạo môi trường thuận lợi sự chuyển biến căn bản về kinh tế, xã hội, văn hóa ở vùng có đông đồng bào DTTS nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào DTTS nhanh và bền vững, hòa nhịp với sự phát triển KT-XH của cả nước; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiến tới trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

--------------------------

(1) Văn phòng Trung ương Đảng: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, 2016, tr. 164
(2)  Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Công tác dân tộc trong tình hình mới”.
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 170
(4), (5), (6) Xem: Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3-6-2022, của Ủy ban Dân tộc: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc
(7) Xem: Báo cáo số 732/BC-UBDT, ngày 10-6-2021, của Ủy ban Dân tộc: Tổng kết chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020
(8), (9) Xem: Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3-6-2022, của Ủy ban Dân tộc: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc
(10) Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về Công tác dân tộc trong tình hình mới”
(11) Xem: Báo cáo số 732/BC-UBDT, ngày 10-6-202, của Ủy ban Dân tộc: Tổng kết chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020
(12) Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19-6-2020, của Quốc hội khóa XIV, về “Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 253