Huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) -Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để thông tin, chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực và thu hút đầu tư trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024

 Quang cảnh Hội thảo.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - Phó Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 chủ trì Hội thảo. Tham dự, đồng chủ trì Hội thảo có ông Võ Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Tài chính, Ủy viên Thường trực BCĐ Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025; bà Pauline Tamesis - Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; bà Stefani Stallmeister - Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Dự Hội thảo còn có ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển; cộng đồng doanh nghiệp…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, được sự ủy quyền của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng BCĐ Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, thay mặt cho BCĐ Trung ương các Chương trình MTQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhiệt liệt chào mừng sự tham dự của đông đảo đại biểu tại Hội thảo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định vai trò của các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, nhà tài trợ luôn là những người bạn đồng hành đáng tin cậy của Chính phủ Việt Nam trong suốt quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện Đề án Tổng thể và sau đó là Chương trình MTQG dân tộc thiểu số (DTTS) để đẩy mạnh việc thực hiện công cuộc giảm nghèo và hỗ trợ đẩy sự phát triển nhanh, bền vững ở Việt Nam nói chung và khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng. 

BCĐ Trung ương các Chương trình MTQG ghi nhận và đánh giá cao các chương trình hỗ trợ nguồn lực đang xúc tiến với các đối tác như Chương trình DPO của WB, các kế hoạch hỗ trợ nguồn lực của ADB, JICA, Đại sứ quán Ai Len, của Quỹ Thiện Tâm - Vingroup và các nhà tài trợ khác.

 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tuy nhiên khi nhìn nhận và đánh giá thực tế tình hình đồng bào các DTTS ở Việt Nam hiện nay, với đặc thù là khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, địa hình phức tạp và bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung, sinh kế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, nhu cầu nguồn lực đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, Chính phủ Việt Nam cũng thẳng thắng nhìn nhận việc triển khai hiệu quả, thành công Chương trình này sẽ gặp không ít những thách thức, đặc biệt là khó khăn về nguồn vốn, cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện. Vì vậy, việc huy động các nguồn lực xã hội trong nước và tài trợ từ các tổ chức nước ngoài để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình là vô cùng quan trọng. 

Tại Hội thảo, bên cạnh việc chia sẻ thông tin, trao đổi về các định hướng chỉ đạo cũng như kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trong thời gian tới, thay mặt cho BCĐ Trung ương các Chương trình MTQG, ông Hầu A Lềnh kêu gọi sự tham gia của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế trong việc bổ sung nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới để triển khai Chương trình MTQG DTTS và miền núi kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả hơn. 

Phát biểu trong phiên 1 của Hội thảo, chia sẻ nhu cầu huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn cho Chương trình; bài học kinh nghiệm thành công và kết nối hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những đóng góp tham luận giá trị đến từ đại diện UBND các tỉnh Kom Tum, Lào Cai, Quảng Trị.

Thảo luận chia sẻ về bài học kinh nghiệm từ các chương trình, dự án hợp tác thành công và kết nối hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp kinh doanh sản xuất tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, Hội thảo lắng nghe chia sẻ từ đại diện Ngân hàng Thế giới (hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực), đại diện dự án GREAT (thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch và nông nghiệp), đại diện Chương trình UNDP (giảm nghèo đa chiều và phát  triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi)...

Tại phiên 2, chia sẻ định hướng và đề xuất cơ chế hợp tác hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua Chương trình, Hội thảo tiếp tục lắng nghe ý kiến của DFAT - Đại diện cơ quan đồng chủ trì nhóm công tác về dân tộc thiểu số (EMWG), phát biểu của Đại sứ quán Ai Len, ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Elea Foundation (Thụy Sỹ) và đại diện một số Bộ, ngành, doanh nghiệp.

Bế mạc phiên làm việc buổi sáng, thay mặt cho BCĐ Trung ương và cơ quan chủ  trì Chương trình MTQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh gửi lời cảm ơn đến các quý vị đại biểu đã có mặt ngày hôm nay. Hội thảo đã được nghe và trao đổi nhiều kinh nghiệm và gợi ý về các giải pháp cụ thể cho việc hợp tác, huy động và thu hút nguồn lực đầu tư để hỗ trợ phát triển để triển khai Chương trình MTQG, phát triển kinh tế xã hội của vùng DTTS và miền núi trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung thảo luận trọng tâm vào các chủ đề chính gồm các cơ chế chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và BCĐ Chương trình MTQG. Hội thảo được nghe nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm của các bộ, ngành Trung ương, trong việc đề xuất nhu cầu đa dạng hóa huy động các nguồn lực nhằm thực hiện Chương trình DTTS và miền núi.

Qua những chia sẻ của các tổ chức quốc tế, BTC đánh giá cao vai trò của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế trong Hội thảo, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế và các doanh nghiệp trong lĩnh vực giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian qua. BTC cũng ghi nhận và đánh giá cao sự đồng hành, chung tay hỗ trợ và sự chia sẻ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp đối với đồng bào DTTS và miền núi.

Tại phiên làm việc buổi chiều, Hội thảo tiếp tục chia sẻ định hướng thành lập mạng lưới tập trung hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi (Nội dung thuộc Dự án 3 - Chương trình MTQG DTTS và miền núi).

Hội thảo diễn ra trong 1 ngày, nhằm chia sẻ nhu cầu huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn cho Chương trình MTQG; bài học kinh nghiệm thành công và kết nối hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất tại vùng đồng bào DTTS và miền núi; chia sẻ định hướng và đề xuất cơ chế hợp tác hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi thông qua Chương trình; chia sẻ định hướng thành lập mạng lưới trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi.

NGỌC HÀ