Hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028: Nét đẹp sống đạo

(Mặt trận) -Những việc làm thiện nguyện giàu tình bác ái của đồng bào Công giáo tỉnh Đồng Nai đang góp phần tích cực vào thực tiễn sinh động về lối sống đạo: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của phúc âm.

Tuyên Quang: Gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

An cư cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người có uy tín tỉnh Lạng Sơn: Cầu nối gắn kết trong cộng đồng dân cư

 Hỗ trợ người nghèo là nét đẹp thường xuyên tại giáo xứ Hà Nội (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga (trú tại ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã 67 tuổi nhưng hàng ngày vẫn phải rong ruổi bán hàng kiếm sống. Bà không chỉ lao động nuôi bản thân mà từ nhiều năm qua còn phải nuôi 2 cháu nội có hoàn cảnh khó khăn.

Với hoàn cảnh ấy, tưởng chừng bà Nga sẽ phải buông xuôi khi ốm đau vì không đủ tiền khám bệnh. Thế nhưng lâu nay Phòng khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo Xuân Hòa (ấp Ngũ Phúc, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) vẫn tận tình đón tiếp bà. Các bác sĩ ân cần thăm khám, xét nghiệm y tế, sau đó bà được cấp thuốc miễn phí để điều trị. Nhờ đó bà Nga phần nào vơi đi nỗi lo khám bệnh lúc tuổi già. Bà cho hay: “Bệnh của tôi phải tái khám, xét nghiệm định kỳ và duy trì uống thuốc đều đặn, nhưng nhiều năm nay phòng khám nhân đạo Xuân Hòa đã giúp tôi việc đó mà không thu bất cứ chi phí nào. Phòng khám chính là nơi cứu cánh cho sức khỏe của tôi suốt nhiều năm qua”.

Ông Nguyễn Mạnh Hoan, một tu sĩ điều hành Phòng khám bệnh, điều trị bệnh nhân đạo Xuân Hòa cho biết, Phòng khám thuộc Ban Bác ái – Xã hội giáo phận Xuân Lộc hoạt động hoàn toàn vì mục đích nhân đạo, mỗi năm khám, chữa bệnh cho khoảng 8.500 lượt bệnh nhân. Các bác sĩ, nhân viên làm việc tại phòng khám đều là người Công giáo. Họ làm việc vì tấm lòng thiện nguyện, không có thù lao, nhưng đều tận tâm với người bệnh.

Ngoài Phòng khám nhân đạo Xuân Hòa, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn có nhiều cơ sở y tế khác đang hoạt động thiện nguyện vì người nghèo. Chỉ trong 5 năm vừa qua, các cơ sở y tế từ thiện của Công giáo tại Đồng Nai đã tham gia hơn 95,5 tỷ đồng vào lĩnh vực khám, chữa bệnh, chủ yếu dành cho người nghèo.

Cùng với lĩnh vực y tế, các tổ chức Công giáo còn tham gia bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng người già cô đơn, trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật. Nhiều cơ sở đã trở thành mái ấm tình thương của người kém may mắn như: Cơ sở bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình (thuộc Ban Bác ái – xã hội, giáo phận Xuân Lộc) nuôi dưỡng, giáo dục 143 cô nhi; Cơ sở bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên (thuộc Dòng Đa Minh Tam Hiệp) chăm sóc, nuôi dưỡng 127 cụ già; cơ sở khuyết tật Long Thuận (Dòng Mến thánh giá Phan Thiết) chăm sóc, giáo dục 39 em khuyết tật, chậm phát triển; Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi giáo xứ Hà Nội chăm sóc, nuôi dưỡng 30 trẻ em…

Linh mục Trần Xuân Thảo - Phó Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đồng Nai cho biết, trong 5 năm vừa qua, đồng bào Công giáo tỉnh đã tham gia hơn 900 tỷ đồng vào công tác từ thiện xã hội, khuyến học - khuyến tài. Nhiều tu sĩ, nữ tu và giáo dân đã gắn bó hàng chục năm nay để khám bệnh cho người nghèo, chăm sóc, nuôi dưỡng người già cô đơn, trẻ em mồ côi. Đa số người Công giáo không chỉ chăm chỉ, năng động làm ăn mà còn giàu lòng chia sẻ với người nghèo.

Theo Linh mục Trần Xuân Thảo, những tấm lòng và việc làm thiện nguyện giàu tình bác ái ấy đang làm đẹp hơn lối sống đạo của người Công giáo và góp phần tích cực vào thực tiễn sinh động về đường hướng mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chỉ dẫn trong Thư chung năm 1980: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của phúc âm.

Nét đẹp trong lối sống đạo của người Công giáo Đồng Nai cũng được phát huy trong tinh thần vì cộng đồng, để trong 5 năm vừa qua, đồng bào Công giáo chung tay xây dựng được 126 nhà tình nghĩa, 658 nhà tình thương, sửa chữa 262 nhà tình thương với kinh phí hơn 47,5 tỷ đồng; hỗ trợ 3.115 lượt hộ gia đình khó khăn mỗi hộ 10kg gạo/tháng; ủng hộ hàng trăm triệu đồng vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì người nghèo”... Đặc biệt trong phòng, chống Covid-19, những tấm gương dấn thân phục vụ bệnh nhân của các tu sĩ, giáo dân nơi tuyến đầu chống dịch mãi là hình đẹp về người Công giáo và tình đoàn kết đồng bào.

AN LUÝCH