Hợp Tiến: Tạo sinh kế giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Hợp Tiến là xã vùng sâu, xa của huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Những năm qua, xã tập trung nhiều giải pháp giúp bà con thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Cơ sở sản xuất tăm hương của gia đình ông Triệu Tiến Học (dân tộc Dao, ở xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến, Đồng Hỷ) duy trì sản xuất ổn định, bảo đảm việc làm thường xuyên cho 12 lao động nữ tại địa phương, với mức thu nhập hàng tháng từ 4,5-5 triệu đồng/người.

Với trên 1.800 hộ, hơn 8.000 nhân khẩu, trong đó có gần 70% là đồng bào dân tộc Dao, Hợp Tiến là xã khu vực I của huyện Đồng Hỷ. Hàng năm, huyện dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo sinh kế giảm nghèo bền vững. Nhờ được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 1,5-2%. Hiện nay, trên địa bàn xã còn 180 hộ nghèo (chiếm 11,06% tổng số hộ) và 244 hộ cận nghèo (chiếm 14,99% tổng số hộ).

Năm 2024, xã Hợp Tiến xây dựng kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chung trên địa bàn toàn xã từ 26,05%, xuống còn dưới 13% và đến năm 2025 xuống còn 12% khi cập chuẩn huyện nông thôn mới. Một trong những nhiệm vụ cụ thể là thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo, cải thiện điều kiện đời sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo (đảm bảo 100% người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội khi có kế hoạch và nhu cầu sử dụng vốn phù hợp).

Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Nguyên chia sẻ: Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh; đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn... Xã đã giao nhiệm vụ cho từng bộ phận chuyên môn và các tổ chức chính trị, xã hội đảm nhiệm việc hỗ trợ, quản lý nguồn đầu tư, nhận ủy thác của các ngân hàng, để bảo đảm sử dụng và thụ hưởng các nguồn đầu tư hiệu quả. Từ năm 2023 đến nay, xã đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, mở trên 4km đường bê tông liên xóm, kết nối giao thương với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Giao thông mở đến các cụm dân cư tạo đà phát triển trồng rừng sản xuất, kinh tế gia trại…

Hiện nay, trong xã đã hình thành trên 30 mô hình kinh tế gia trại tổng hợp vườn rừng, chăn nuôi. Các tổ chức hội, đoàn thể của xã, như: Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Nông dân đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp cho các hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS vay vốn trên 110 tỷ đồng, tăng trên 30 tỷ đồng so với đầu năm 2023.

Từ những hoạt động thiết thực này, trong vùng đồng bào DTTS của xã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, như: Mô hình trồng thanh long của Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP Cao Phong; mô hình sản xuất tăm hương, đũa của gia đình anh Triệu Văn Lương (xóm Mỏ Sắt); HTX đa nghề Trường Thuận với nghề may mặc trang phục truyền thống của dân tộc Dao... Các mô hình đã giúp tạo việc làm cho nhiều hộ gia đình là đồng bào DTTS, góp phần nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Anh Triệu Văn Lương, người dân tộc Dao, ở xóm Mỏ Sắt, làm chủ cơ sở chế biến tăm hương từ cây tre phấn bản địa, phấn khởi cho biết: Năm 2001, tôi được tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội gần 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất tăm hương. Nhưng nguồn vốn ít, nên khó mở rộng sản xuất và chủ yếu thu gom nguyên liệu tại địa phương, sơ chế rồi bán giao. Sang đầu năm 2024, hạn mức cho vay được tăng lên, tôi đã đầu tư chế biến sâu để tạo thành phẩm, đóng gói, xây dựng thương hiệu mở rộng thị trường. Đến nay cơ sở sản xuất của gia đình đã tạo việc làm ổn định cho 12 lao động nữ là đồng bào Dao cùng sống trong xã. Nhờ vậy, các hộ lao động tại đây đều vượt nghèo và ổn định cuộc sống.

Với phương châm xây dựng các phong trào thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", công tác giảm nghèo đã tạo thành hoạt động tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư nơi đây. Tinh thần đó sẽ tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc, tạo thành nguồn lực đưa Hợp Tiến hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới trong thời gian tới.

T.A