Hội Đoàn kết sư sãi Sóc Trăng: Cầu nối củng cố khối đại đoàn kết

(Mặt trận) -Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo..., Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng là một trong những mô hình hội đoàn tôn giáo đặc biệt.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Mô hình đoàn thể tôn giáo độc đáo

Sóc Trăng là một trong 13 tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Sóc Trăng cũng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống khi tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 30%. Theo Hòa thượng Tăng Nô - Phó hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước (ĐKSSYN) tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Khleang: Hầu hết đồng bào Khmer tại địa phương theo đạo phật (Phật giáo Nam tông Khmer). Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 130 cơ sở thờ tự của đồng bào dân tộc Khmer (gồm có 92 chùa và 38 salaten), với khoảng gần 2.000 vị sư sãi đang tu học.

“Về Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng, đây là hội đoàn được hình thành khá sớm (ngày 20/3/1963) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lúc đó là thành viên của của Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khu Tây Nam bộ. Sau ngày thống nhất đất nước, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng vẫn được duy trì và hoạt động, đến nay đã trải qua 8 kỳ đại hội. Nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022), Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh gồm 58 vị; trong đó, Ban Cố vấn 5 vị, Ban Thường trực 15 vị, Ủy viên Ban Chấp hành 38 vị”, Hòa thượng Tăng Nô cho biết thêm.

 Chùa Dơi tại TP. Sóc Trăng là một trong những ngôi chùa thành viên của Hội Đoàn kết sư sãi Sóc Trăng. Ảnh: Việt Hoàng

Tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo

Theo Hòa thượng Tăng Nô, với vai trò là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, bằng những hoạt động từ thiện xã hội, các chùa trong tỉnh Sóc Trăng đã thể hiện vị trí, vai trò nòng cốt trong phong trào nhân đạo của toàn dân. Cụ thể, năm 2020, Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, đóng góp quỹ vì người nghèo, ủng hộ quỹ khuyến học khuyến tài, ủng hộ lớp học tình thương, phát quà cho người nghèo, giúp gia đình gặp khó khăn…

Kết quả, hàng trăm km đường giao thông nông thôn được xây dựng, hàng ngàn trẻ em được hỗ trợ tiền, sách vở, quần áo… với tổng số tiền trên 8 tỉ đồng và hàng chục tấn gạo. Bên cạnh đó, trong năm 2020, Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng cũng tích cực đóng góp hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng lũ lụt với số tiền 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu (thông qua các hoạt động thu gom rác thải) cũng được hội đoàn tham gia hưởng ứng.

Về công tác dân tộc, tôn giáo, Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu của kẻ xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động, chống phá chính quyền và gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Do vậy, hàng năm, Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng tích cực quan tâm, chăm lo cho sư sãi các chùa, tăng sinh Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ và con em đồng bào Khmer; tổ chức mở nhiều lớp giảng dạy tiếng Pali - Vini cho sư sãi, dạy chữ Khmer cho con em bổn chùa trong dịp ánh sáng văn hóa hè.

Đồng thời, Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng cũng định hướng để các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội văn hoá truyền thống của đồng bào địa phương luôn được duy trì theo phong tục tập quán, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, vừa thúc đẩy việc nâng cao và cải thiện đời sống, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của sư sãi và đồng bào phật tử Khmer trong tỉnh. “Với phương châm “Đạo pháp, dân chủ, xã hội chủ nghĩa”, Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng đã vận động sư sãi, đồng bào phật tử sống “Tốt đời, đẹp đạo”, góp phần đưa chùa phật giáo Nam tông hoạt động đúng hướng, xứng đáng là trung tâm đoàn kết, định hướng sinh hoạt tín ngưỡng cho đồng bào Khmer.

Có thể thấy rõ, mô hình Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng là một trong những mô hình tôn giáo khá thành công khi Hội đã có đóng góp to lớn trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, để phật tử tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Không ngừng củng cố, xây dựng hội ngày càng vững mạnh và là trung tâm đoàn kết, tập hợp sư sãi, bà con Phật tử Khmer, nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức chung lòng xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp nói riêng, đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung.

Việt Hoàng