Hòa Bình: Tạo động lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là chương trình nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS&MN; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo bền vững... Qua hơn 2 năm triển khai chương trình đã góp phần giúp cơ sở hạ tầng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh từng bước được đầu tư; sản xuất phát triển, các vấn đề an sinh xã hội được chú trọng.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Lồng ghép nguồn lực hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, UBND xã Hưng Thi (Lạc Thủy, Hòa Bình) đã giúp người dân xây dựng mô hình nuôi ong mật và sản xuất rau củ theo tiêu chuẩn Vietgap.

Với đặc thù là xã vùng cao, giao thông khó khăn, có hơn 90% là đồng bào DTTS sinh sống, xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh. Năm 2021, xã chính thức về đích nông thôn mới. Có được kết quả đó là nhờ sự tận dụng tối đa, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ, trong đó có chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Đồng chí Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến cho biết: Ngay khi xây dựng kế hoạch về đích NTM, xã đã huy động mọi nguồn lực từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN cũng đã hỗ trợ, tạo sinh kế cho người dân để xã thực hiện thành công các tiêu chí khó như tiêu chí thu nhập, phát triển mô hình sản xuất, giảm nghèo...

Ngoài Quyết Chiến, trong tỉnh có nhiều xã vùng đặc biệt khó khăn đã sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc cho biết: Xác định Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN là nguồn lực quan trọng góp phần đẩy nhanh việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM trong vùng dân tộc trên địa bàn tỉnh, hàng năm, từ nguồn vốn được Trung ương phân bổ, Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố căn cứ vào nhu cầu thực tế về phát triển KT-XH, quy hoạch nông thôn mới để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt phương án phân bổ nguồn vốn ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm cho các xã có khả năng hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; ưu tiên giải quyết các khó khăn trong điều kiện sinh kế và điều kiện sống của đồng bào DTTS trên địa bàn.

Giai đoạn 2021 - 2023, kế hoạch vốn đầu tư phát triển của tỉnh là 720.680 triệu đồng; vốn sự nghiệp 601.438 triệu đồng. Lũy kế đến nay đã giải ngân 10 dự án với tổng vốn đầu tư 53.914 triệu đồng, tương đương 19,64%; vốn sự nghiệp giải ngân được 43.865 triệu đồng, tương đương 29,43%. Từ các nguồn vốn này đã và đang đầu tư 260 công trình, trong đó có 40 công trình nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng; 103 công trình giao thông; 13 công trình đường trung tâm xã, đường liên xã; 5 công trình chợ; 4 công trình giáo dục; 80 công trình sửa chữa nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng; 10 công trình nước sinh hoạt; 5 công trình thủy lợi và hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cũng như đầu tư nâng cao chất lượng cuộc sống người dân các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Những năm qua, hiệu quả từ nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng dân tộc, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN đã góp phần phát triển toàn diện vùng nông thôn DTTS. Đồng bào đã biết cách làm ăn, hạn chế tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, góp phần giảm khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc, các khu vực. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào DTTS&MN giảm còn 13,11%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS năm 2021 đạt 6,89%; năm 2022 đạt 2,93%. 100% xã đặc biệt khó khăn có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 97,89%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện khác đạt 99,84%; tỷ lệ hộ dân được sắp xếp bố trí ổn định đạt 71,78%...

Công tác tạo nguồn, xây dựng quy hoạch cán bộ được quan tâm thực hiện, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Chất lượng cán bộ ở vùng DTTS ngày càng nâng lên. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố và phát triển. Công tác phát triển Đảng luôn được quan tâm thực hiện, trong đó ưu tiên phát triển đảng viên trẻ, đảng viên nữ, đảng viên trí thức là người DTTS.

Phạm Cường- Đinh Hòa