Hòa Bình (Bạc Liêu): Nỗ lực giảm nghèo vùng có đông đồng bào DTTS

(Mặt trận) -Với sự chung sức, đồng lòng của các cấp chính quyền và sự chuyển biến về nhận thức của người dân, thời gian qua, công tác giảm nghèo ở vùng có đông đồng bào Khmer của huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu đang cho thấy những hiệu quả tích cực. Từ đó, đời sống của đồng bào Khmer tại địa phương từng bước được cải thiện, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Chị Danh Thị Châu (ấp Vĩnh Mẫu, xã Vĩnh Hậu) phấn khởi khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố.

Hỗ trợ đồng bào Khmer có hiệu quả

Thời gian qua, các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đúng đối tượng tại huyện Hòa Bình. Nhìn chung, đồng bào DTTS trên địa bàn chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và mua bán nhỏ, phần lớn tập trung ở 4 xã ven biển, đời sống kinh tế còn thấp. Nhiều hộ Khmer gặp khó khăn về nhà ở, nhà ở xuống cấp nghiêm trọng.

Nhằm giúp đồng bào an cư lạc nghiệp, UBND huyện đã phê duyệt danh sách và định mức hỗ trợ nhà ở cho 205 hộ (mỗi căn nhà được hỗ trợ 50 triệu đồng), trong đó hộ Khmer nghèo xã Vĩnh Hậu được phê duyệt 114 căn.

Là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, chị Danh Thị Châu (ấp Vĩnh Mẫu, xã Vĩnh Hậu) vô cùng phấn khởi khi Tết này gia đình chị đã có căn nhà khang trang, kiên cố để an tâm lao động, thay đổi cuộc sống. Không những vậy, chị và người dân nghèo trên địa bàn còn được hướng dẫn chuyển đổi nghề phù hợp với điều kiện gia đình và tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về chăn nuôi, trồng trọt, thủ công…

Tiếp tục cụ thể hóa các chính sách

Với tinh thần cụ thể hóa các chính sách của Trung ương phù hợp, linh hoạt với thực tế vùng có đông đồng bào DTTS tại địa phương, huyện Hòa Bình đã và đang tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS… Qua đó, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 334 hộ, đạt gần 61% so với dự toán được giao; phân bổ, cấp 63 bồn chứa nước đến các hộ dân với số tiền 189 triệu đồng, đạt 98% dự toán.

Bên cạnh đó, huyện cũng tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Tiếp tục công tác biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến để người dân nói chung và đồng bào dân tộc nói riêng tin tưởng, làm theo. Từ đó, người dân tích cực tham gia các phong trào của địa phương, tham gia phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật song song với nâng cao nhận thức của người dân về Đề án tổng thể và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Kết quả đã thực hiện và giải ngân 140 triệu đồng, đạt hơn 93% dự toán. Công tác kiểm tra, giám sát đánh giá, đào tạo, tập huấn thực hiện cũng được huyện quan tâm, kết quả đạt gần 48% dự toán được giao.

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện, để có được thành tích trên, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo đã được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, có hiệu quả. Các hoạt động tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân nói chung, đồng bào dân tộc nói riêng về công tác giảm nghèo.

Ông Đỗ Quốc Thịnh - Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hòa Bình, cho biết: “Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, địa phương và các chương trình, dự án lồng ghép để đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khmer nói riêng bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với đặc thù của từng hộ nghèo. Bên cạnh đó, sẽ theo sát các hộ để định hướng chuyển đổi nghề phù hợp với cuộc sống và nhu cầu, tạo điều kiện để hộ nghèo DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Xuân Hiếu