(Mặt trận) -Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới, với đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống bà con dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ sinh kế cho đồng bào. Việc hỗ trợ sinh kế không chỉ nâng cao mức sống của người dân mà còn tạo sức bật, động lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Người dân xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) được hỗ trợ mô hình sinh kế liên kết và tiêu thụ sản phẩm vịt bầu địa phương. Trong ảnh: Người dân chăm sóc vịt. |
Nhằm tạo sinh kế cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số, mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng tại xã Mường Pồ (huyện Điện Biên) bước đầu đem lại hiệu quả. Năm 2018, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xã Mường Pồn trồng thử nghiệm hơn 3,3ha sa nhân dưới tán rừng tại bản Lĩnh. Ban đầu chỉ có 12 hộ dân tham mô hình và được hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sa nhân. Nhận thấy cây sa nhân tím, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2019 thông qua các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay diện tích trồng sa nhân dưới tán rừng trên địa bàn xã đã lên đến gần 30ha. Sau 3 năm cho thu hoạch ổn định trung bình 250kg quả khô/ha/năm với giá bán trung bình 200.000 đồng/kg quả khô, thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ha/năm, giúp bà con tạo sinh kế và tăng thu nhập. Nhận thấy cây sa nhân tím đem lại hiệu quả, thời gian tới xã Mường Pồn tiếp tục nhân rộng khoảng gần 10ha tại bản Tin Tốc, để người dân có thể tiếp cận, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Từ các nguồn vốn giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Tủa Chùa đã triển khai mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vịt bầu địa phương (hỗ trợ 2 vụ) thực hiện năm 2021 - 2022 với quy mô 3.000 con trên địa bàn xã Mường Đun. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, thông qua mô hình phát huy lợi thế địa phương, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có phát triển chăn nuôi, cung cấp sản phẩm có chất lượng, giúp tăng thu nhập cho hộ dân trung bình thêm 1,2 triệu đồng/hộ/tháng. Bên cạnh đó, sản phẩm được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Đun tiêu thụ ổn định, bước đầu quan tâm xây dựng thương hiệu gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị. Dự án là tiền đề thay đổi phương thức chăn nuôi của người dân, áp dụng kỹ thuật phòng trị bệnh trong chăn nuôi, thúc đẩy tăng quy mô mở rộng đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất.
Những năm qua, thông qua các Chương trình 135, Nghị quyết 30a, Chương trình Xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh dần được nâng cao, từng bước giảm đói nghèo. Giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ 647 hộ giống cây lâm nghiệp trồng rừng sản xuất; thực hiện hỗ trợ khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang cho gần 3.000 lượt hộ dân với diện tích gần 634ha; hỗ trợ tiền mua giống, phân bón chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho tổng số gần 15.500 hộ dân; hỗ trợ gần 67.000 con gia súc, gia cầm và hơn 302.000 giống cây trồng các loại. Đồng thời, thực hiện 155 mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật với gần 3.400 hộ tham gia; hỗ trợ hơn 1.500 hộ về máy móc, nông cụ sản xuất…
Nhằm trợ lực và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 10/12/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 17-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 định hướng năm 2030. Nghị quyết đặt ra mục tiêu thực hiện tăng trưởng bao trùm, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bỏ lại phía sau. Trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 mức thu nhập bình quân của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt trên 2.280 USD/người; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 5% trở lên; 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 5.500 lao động...
Triển khai Nghị quyết 17, các cấp, ngành tỉnh đã tập trung các nguồn lực, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, phù hợp với tập quán của từng dân tộc và tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Đồng thời, phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện các chương trình.
Với những giải pháp hiệu quả hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều gia đình đã có cơ hội vươn lên, thoát nghèo, làm giàu. Kết thúc năm 2021, khoảng 6.680 hộ dân vượt qua ranh giới đói nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số toàn tỉnh còn 46.804/104.115 tổng số hộ gia đình người dân tộc thiểu số, chiếm 44,95%. Từ đó, diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao; củng cố niềm tin của Nhân với Đảng, chính quyền, đồng lòng xây dựng cuộc sống mới.
Thành Đạt