Hỗ trợ nông dân các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao đời sống

(Mặt trận) - Chiều 13/10, Ủy ban Dân tộc và Hội Nông dân Việt Nam đã tổng kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2013-2020 và ký chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, việc triển khai chương trình công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2021-2025 nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ hoạt động giữa hai cơ quan trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân các dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, chính sách dân tộc nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.  

Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.  

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao hàng năm, hai cơ quan xây dựng kế hoạch công tác cụ thể sát với thực tế và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung chương trình đã ký kết. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cho người dân, nhất là hội viên nông dân dân tộc thiểu số. Công tác phối hợp đảm bảo chủ động, kịp thời, đúng định hướng, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về kinh tế nông thôn và công tác dân tộc trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.    

Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Lương Quốc Đoàn cho biết, thực hiện Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan mà hai ngành đã ký kết; trong những năm qua, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và Ban Dân tộc đã phối hợp tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân là đồng bào dân tộc hiểu và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại Hội Đảng các cấp.

Đặc biệt, thông qua hình thức tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt chi Hội, Câu lạc bộ nông dân, các thôn bản, các cụm dân cư… lồng ghép tuyên truyền với các hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giáo dục truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, cùng nhau thực hiện tốt qui ước thôn bản, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đời sống văn hóa. Phòng ngừa và đấu tranh trước những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. 

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, nâng cao đời sống các đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng phát triển toàn diện và bền vững. Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân đã tích cực phối hợp với các ngành, đặc biệt là với Ủy ban dân tộc, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, triển khai sâu rộng các nội dung về xây dựng gia đình văn hóa; tham gia xây dựng thôn, làng, ấp, bản, văn hóa...; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phòng chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu.

Thông qua việc tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ để nông dân vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận những nét văn hóa mới tiến bộ, qua đó nhận thức của đồng bào DTTS đã được nâng lên, đặc biệt đã ý thức được mặt trái của các hủ tục lạc hậu, dần thay đổi nếp sống, cách nghĩ, thực hiện nếp sống văn hóa, ăn, ở hợp vệ sinh, giảm tỷ lệ hôn nhân cận huyết, một số hủ tục từng bước được loại bỏ dần...

Kết quả, trung bình mỗi năm tổ chức được trên 400.000 buổi tuyên truyền cho hội viên nông dân tham gia (trong đó 100% hội viên nông dân là dân tộc thiểu số được tuyên truyền). Thông qua các hoạt động tuyên truyền, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, thúc đẩy tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc; bồi đắp thêm sự tin yêu của đồng bào dân tộc thiểu số dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc từ đó chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.