Hỗ trợ đất sản xuất để đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo

(Mặt trận) -Những năm qua, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước từ các chương trình, dự án, các chính sách cùng với sự quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thái Nguyên đã được cải thiện rõ rệt. Việc triển khai có hiệu quả các chính sách về đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS giúp đồng bào vươn lên phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Đồng bào Mông ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương yên tâm lao động sản xuất trên diện tích đất được giao.

Với đặc thù trên 72% dân số là đồng bào DTTS, huyện Võ Nhai được biết đến là địa phương dẫn đầu tỉnh Thái Nguyên về việc chăm lo phát triển đời sống đồng bào DTTS, trong đó có việc chăm lo về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Bám sát điều kiện của địa phương, huyện Võ Nhai đã tập trung triển khai thực hiện các chương trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Một mặt, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của người dân. Mặt khác, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS cũng được địa phương khai thác có hiệu quả.

Không riêng huyện Võ Nhai, huyện Đại Từ cũng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Để giúp đồng bào DTTS vươn lên phát triển kinh tế, giai đoạn 2016-2021, từ nguồn vốn hơn 130 tỷ đồng của Chương trình 135, huyện Đại Từ đã hỗ trợ cho gần 6.000 hộ để phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo và đầu tư xây dựng gần 80 công trình hạ tầng nông thôn miền núi. Ngoài ra, huyện còn đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề cho lao động là người DTTS, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách như: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất… cũng được huyện Đại Từ triển khai thực hiện tích cực.

Theo ông Chu Hồng Thái - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đại Từ, về cơ bản các chính sách dân tộc đã được huyện triển khai đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và cho thấy hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên, ở một số xã vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện vẫn rất lớn, trong khi nguồn lực hạn chế. Do vậy, thời gian tới, huyện chủ trương tiếp tục tranh thủ tối đa sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay của các doanh nghiệp trong công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn.

Còn tại huyện Phú Lương, theo số liệu báo cáo về quản lý, sử dụng đất ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, tính đến đầu tháng 7/2022, huyện đã thực hiện giao đất đạt 68,7% nhu cầu kế hoạch đến năm 2025. Qua khảo sát và tổng hợp, dự kiến nhu cầu sử dụng đất vùng đồng bào DTTS đến năm 2025 của toàn huyện Phú Lương là 832.000m2. Gồm: Nhu cầu đất ở có tổng diện tích 12.000m2; nhu cầu đất lâm nghiệp 550.000m2 và nhu cầu đất sản xuất nông nghiệp là 270.000m2. Đến nay, huyện Phú Lương đã thực hiện giao đất cho 25 hộ dân của xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt. Đây là xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Đánh giá về chính sách dân tộc đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, ông Lê Kim Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đất sản xuất để giúp đồng bào DTTS có đất canh tác, vươn lên thoát nghèo. Mới đây nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 cũng đã đặt ra mục tiêu hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho những hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở những xã đặc biệt khó khăn... Chính quyền địa phương, cũng như bà con đang rất phấn khởi vì đây sẽ là nguồn lực quan trọng tháo gỡ được những khó khăn tồn tại nhiều năm qua cho các hộ đồng bào DTTS nghèo.

Để tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về công tác dân tộc, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thường xuyên kiện toàn hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng cán bộ vùng DTTS. Với cách làm bài bản đó, tỉnh Thái Nguyên đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

TẤN MINH