Hiệu quả từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở xã Ban Công

(Mặt trận) -Những năm qua, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân, xã Ban Công (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 14,19% xuống còn 9,51%

Hỗ trợ nhà ở, giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp

Phú Thọ: Đẩy mạnh chính sách trong đồng bào dân tộc thiểu số

Phù Ninh: Tạo sinh kế cho người nghèo

 Được hỗ trợ bò để chăn nuôi là động lực lớn để hộ chị Lò Thị Nga, ở thôn Ba, xã Ban Công nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo đến được với người dân kịp thời, đầy đủ, đồng thời khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để sớm thoát nghèo, chung tay XDNTM. Bên cạnh đó, xã tranh thủ các nguồn lực, phát huy nội lực tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, các chương trình văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, dân số, vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo...

Ông Hà Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Ban Công, cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, căn cứ nguồn vốn trung hạn và vốn được giao hằng năm, xã đã triển khai thực hiện 6/7 dự án của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, xã lựa chọn phương thức chăn nuôi cá lồng. Hiện, toàn xã có 41 hộ tham gia nuôi cá lồng. Đối với dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, toàn xã có 79 hộ được thụ hưởng, hiện có 50 hộ đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa nhà. Riêng dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của cấp trên, xã triển khai đến các thôn về chính sách phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Dựa vào đó các thôn họp, xét hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng chính sách.

Là một trong 34 hộ được nhận bò giống theo chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình gảm nghèo, chị Lò Thị Nga, ở thôn Ba, chia sẻ: "Cuối năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ một con bò giống và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ; cách làm chuồng trại; kỹ thuật chăm sóc bò. Vì vậy, sau 4 tháng nuôi bò, bò sinh trưởng, phát triển rất tốt".

Việc tập trung đầu tư, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận được các chính sách. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo; chính sách vay vốn cho hộ nghèo, cận nghèo, tạo nền tảng để họ phát triển kinh tế, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giảm nghèo trong năm 2024 và cả giai đoạn, theo ông Hà Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Ban Công, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao nhận thức về thực hiện các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Khơi dậy ý thức vươn lên tự lập trong cuộc sống. Việc họp xét đưa vào diện hộ nghèo phải chính xác, khách quan. Có kế hoạch khảo sát độ tuổi lao động và lao động hằng năm của các hộ nghèo, cận nghèo chưa có việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm và bảo lãnh cho vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề. Xã sẽ tăng cường công tác khuyến nông, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ giống, vốn, kinh nghiệm làm kinh tế để các hộ có thu nhập ổn định, sớm thoát nghèo, cận nghèo...

M.Phương