Hiệu quả từ chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Chính sách dân tộc đã cơ bản tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Từ đó, tạo động lực để đồng bào DTTS nỗ lực phấn đấu vươn lên, phát triển bền vững, hòa cùng với sự phát triển chung của cả nước.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đẩy mạnh xây dựng đường giao thông nông thôn cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Ngọc Hải.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng chính sách cho vùng DTTS và miền núi với chủ trương nhất quán, đẩy nhanh phát triển về mọi mặt. Từ chủ trương đó, nhiều chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được ban hành. Hiệu quả của các chính sách giúp đồng bào DTTS phát triển thời gian qua phải kể tới Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719). Đây là Chương trình mang tính tổng thể đang phát huy các nguồn lực tạo ra nhiều cơ hội cho đồng bào DTTS nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Trong giai đoạn 2021-2023, các nội dung thành phần của Chương trình đã đi sâu và bao phủ hầu hết các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tại địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, nhiều xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ổn định và phát triển.

Đơn cử tại huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), với đặc thù là địa phương có trên 97% đồng bào DTTS sinh sống, những năm qua, huyện Đồng Văn đã thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh. Đến nay, đời sống bà con DTTS trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên.

Đặc biệt, khi Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi được xem là một trong những chính sách phù hợp, được huyện Đồng Văn triển khai hiệu quả. Vì vậy, trong giai đoạn 2020-2024, huyện đã thực hiện quyết định này với tổng kinh phí trên 4,8 tỷ đồng để hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 624 hộ.

Ngoài ra, các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn đã rà soát, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 1.126 hộ với tổng kinh phí trên 37,6 tỷ đồng để phát triển sản xuất, tạo sinh kế.

Đối với đồng bào DTTS rất ít người trên địa bàn huyện cũng được quan tâm, thụ hưởng các chính sách đặc thù.

Ông Đỗ Quốc Hương - Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết, các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS được triển khai đã mang lại hiệu quả vô cùng thiết thực.

Vì vậy, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Đồng Văn sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh và từ các nguồn lực xã hội hóa để ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, khuyến khích, hướng dẫn bà con sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào phát huy nội lực để tự vươn lên, từng bước đưa vùng đồng bào DTTS phát triển đồng đều với các địa phương khác.

Theo ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các chính sách đi vào cuộc sống đã giúp đồng bào DTTS nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024. Đây là lần thứ 3 Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp tổ chức thực hiện. Cuộc điều tra lần này hướng đến việc cung cấp thông tin toàn diện về dân số và phân bố dân cư, tiếp cận cơ sở hạ tầng, kinh tế, nghèo đói, an sinh xã hội, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, y tế và vệ sinh môi trường nông thôn, cán bộ, đảng viên, di cư tự do, tôn giáo, tín ngưỡng, an ninh nông thôn vùng DTTS... Kết quả của cuộc điều tra sẽ là nguồn dữ liệu quan trọng để đánh giá 5 năm triển khai Đề án tổng thể, Chiến lược công tác dân tộc, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cũng như kết quả thực hiện công tác dân tộc, giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị xây dựng Chương trình MTQG, kế hoạch phát triển giai đoạn tiếp theo 2026-2030.

Có thể thấy, từ những chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống đã trở thành căn cứ quan trọng để xây dựng, hoạch định, giám sát thực hiện công tác dân tộc và nâng cao phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tương lai.

Nguyên Phương