Hiệu quả từ chính sách dân tộc ở Sóc Trăng

(Mặt trận) -Các dự án, chính sách đặc thù của Trung ương đầu tư phát triển vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã phát huy hiệu quả, nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer được nâng lên.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Nhờ có chính sách hỗ trợ vốn của Nhà nước, nên đồng bào khmer có điều kiện phát triển sản xuất.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, năm 2020, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư cho tỉnh Sóc Trăng được trên 73,6 tỉ đồng để xây dựng 73 công trình đường giao thông nông thôn; 2 nhà sinh hoạt cộng đồng ở ấp, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 1.383 hộ; tổ chức 25 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, người uy tín với 2.094 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.808 hộ, với kinh phí 4,2 tỉ đồng… Nhờ các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc được triển khai đồng bộ, kịp thời đã giúp cho hàng ngàn hộ Khmer thoát nghèo. Chị Lý Thị Út ở ấp khu 2, xã Thạnh Phú ( Mỹ Xuyên), nói: “Khi được Nhà nước cất cho nhà ở, cho vay vốn, tôi chuộc lại 1 công đất, rồi lên liếp trồng màu, nuôi heo sinh sản, rảnh thì đi làm thuê. Sau 10 năm làm ăn tích lũy, tôi đã thuê được 14 công đất ruộng, cất lại nhà cửa khang trang hơn. Còn các con có việc làm ổn định trong công ty, nên ai cũng có thu nhập. Cuộc sống tôi khá lên như ngày nay đều nhờ chính sách đặc thù của Nhà nước hỗ trợ”.

Hòa thượng Dương Nê - Trụ trì chùa Trà Cuôn, xã Thạnh Quới (Mỹ Xuyên) cho biết: “Chính sách Nhà nước hỗ trợ cho bà con Khmer rất nhiều, nên sư thường xuyên khuyên phật tử sống đoàn kết, chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. So với 10 năm trước thì nay cuộc sống, nhận thức bà con Khmer ở Thạnh Quới thay đổi theo hướng tích cực; chung tay với chính quyền xây dựng hoàn thiện các công trình nông thôn để xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Đặc biệt, toàn xã chỉ có nhà tường, không còn nhà lá, điều đó cho thấy cuộc sống bà con phật tử Khmer đã khá lên”.

Ông Lâm Sách - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Khi nhận nguồn vốn Trung ương, tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở và người có uy tín trong đồng bào Khmer để làm cầu nối đưa chính sách đến với bà con Khmer. Nhờ vậy, các dự án, chính sách được triển khai thực hiện hiệu quả nên đời sống vật chất, tinh thần bà con Khmer ngày càng được nâng lên; vùng quê thôn, xóm ngày càng khởi sắc. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 3,76% năm 2020”.

ĐA LIN