Hiệu quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại xã biên giới Bạch Đích

(Mặt trận) -Qua gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đã mang lại những kết quả tích cực, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở xã biên giới.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Xây dựng nhà văn hóa thôn Na Ca.

Bạch Đích là xã vùng cao biên giới thuộc huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm huyện khoảng 35km, có địa bàn rộng và là nơi sinh sống của 12 dân tộc thiểu số (dân tộc Nùng chiếm 63%, còn lại là các dân tộc khác như Dao, Tày, Mông, Cờ Lao, Giấy...), đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn xã đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo báo cáo của UBND xã Bạch Đích, sau gần 3 năm từ 2021 đến 2023 triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, xã được giao tổng số vốn ngân sách Nhà nước thực hiện chương trình là trên 14,9 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là trên 10,1 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 4,8 tỷ đồng.

Trên cơ sở mục tiêu Chương trình và các quy định đối tượng, tiêu chuẩn được hỗ trợ đầu tư từ các nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp và quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, xã đã thành lập Ban chỉ đạo, ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, có lộ trình, triển khai rà soát và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ, phù hợp với quy định, bảo đảm đúng đối tượng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chương trình đề ra.

 Cán bộ và nhân dân tham gia làm đường giao thông liên thôn Na Ca - Đông Sao.

Đến nay, xã đã giải ngân được trên 85% nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua hơn 3 năm, các nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn sự nghiệp trong thực hiện Chương trình trên địa bàn được triển khai thực hiện hiệu quả. Nổi bật là các: dự án 1, dự án 4, dự án 8 và dự án 9 đã tạo động lực thúc đẩy góp phần thay đổi diện mạo với việc giải quyết vấn đề nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đầu tư hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn như: Xây dựng mới nhà văn hóa các thôn Na Ca, Bản Muồng 1, Phe Lái và Già Thèn; sửa chữa nhà văn hóa các thôn Đông Sao và Bản Muồng 5; bê tông hóa các tuyến đường liên thôn Na Ca - Đông Sao; sửa chữa tuyến kênh mương thôn Cốc Pục - Lùng Vái phục vụ nhân dân đi lại và canh tác sản xuất…

Đồng thời, tích cực đẩy mạnh truyền thông thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Dự án 9, đầu tư tạo sinh kế, phát triển kinh tế nhóm dân tộc Cờ Lao, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã đang được triển khai bước đầu hứa hẹn đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc cũng như đầu tư hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào DTTS.

Theo chân cán bộ địa phương và cán bộ Biên phòng tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi đến với bà con nhân dân, mục sở thị được nghe nhân dân vui mừng phấn khởi chia sẻ về hiệu quả Chương trình mang lại. “Bà con nhân dân phấn khởi lắm, nào là nhà nước đầu tư xây dựng đường bê tông, nào là xây dựng nhà văn hóa để cho nhân dân có địa điểm sinh hoạt cộng đồng khang trang, nơi tụ hội gắn bó thắt chặt tình đoàn kết; nào là tuyên truyền và giúp đỡ, hỗ trợ chị em phụ nữ trên địa bàn sinh đẻ an toàn và chăm sóc trẻ em; hỗ trợ kinh phí để nhân dân lắp đặt và sử dụng nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt hợp vệ sinh…, cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm lo cho nhân dân” - ông Mùng Sáng Dâu, Bí thư Chi bộ thôn Na Ca, xã Bạch Đích phấn khởi chia sẻ.

 Lãnh đạo xã Bạch Đích kiểm tra chất lượng xây dựng nhà văn hóa thôn Na Ca.

Nói về cách thức triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn xã thời gian qua, ông Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch UBND xã Bạch Đích cho biết: “Bám sát chủ trương, kế hoạch của cấp trên; phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần đoàn kết, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình luôn đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, xác định rõ mục tiêu, đích đến Chương trình hỗ trợ; từ đó lựa chọn các nội dung hỗ trợ, công trình thiết yếu phù hợp với nguyện vọng của người dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội luôn phát huy vai trò, hiệu quả công tác phối hợp triển khai và giám sát, đánh giá, phản biện xã hội. Sức mạnh toàn dân được phát huy, đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương chính sách nói chung và thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng là nhân tố tạo nên kết quả, góp phần cho diện mạo nông thôn tại địa phương ngày càng khởi sắc”.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai thực hiện chương trình, dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG năm 2023 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Mậu cho biết thêm: “Xã tiếp tục bám sát kế hoạch, chương trình và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, tổ chức thực hiện hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động; phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn khảo sát, lập hồ sơ, thẩm định, đề nghị phê duyệt các dự án; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả chương trình; đảm bảo tính công khai, dân chủ theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” trong quản lý và sử dụng nguồn lực gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.

K.T – T.A