Hiệu quả triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Phú Thọ

(Mặt trận) -Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là một trong ba Chương trình mục tiêu Quốc gia được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện. Tại tỉnh Phú Thọ, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 đang được tích cực triển khai, từng bước thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh.

'Điểm tựa' giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

Đakrông (Quảng Trị): Phát huy vai trò người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

 Thông qua các chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, gia đình anh Trần Văn Chung, khu 3, xã Xuân Viên, huyện Yên Lập có thêm nguồn lực phát triển mô hình nuôi dê thương phẩm cho hiệu quả kinh tế.

Chương trình được thực hiện trên địa bàn 58 xã, các thôn vùng đồng bào DTTS&MN thuộc năm huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy, trong đó ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn và xã Chương trình 229. Căn cứ hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh cũng đã xây dựng, thông qua nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, cơ chế huy động, lồng ghép nguồn lực thực hiện.

Sau khi có kế hoạch triển khai thực hiện của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành hướng dẫn thực hiện nội dung dự án, tiểu dự án của chương trình đến các sở, ngành, địa phương. Đơn vị trực tiếp triển khai một số dự án của chương trình, trong đó, có dự án thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vùng DTTS&MN giai đoạn 2022 - 2025. Để triển khai dự án, Ban tích cực phối hợp ngành, địa phương thông tin, tuyên truyền để người dân vùng DTTS&MN nắm bắt, tiếp cận thông tin chính sách hỗ trợ; thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã vùng đồng bào DTTS&MN có sản phẩm tiêu biểu tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức tại thành phố Hà Nội; tổ chức nhiều lớp tập huấn trang bị kỹ năng xác định nhu cầu, tìm kiếm thị trường, xây dựng chiến lược sản phẩm, xúc tiến thương mại, quản lý bán hàng cho các doanh nghiệp, HTX, cá nhân người DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh vùng đồng bào DTTS&MN có nhu cầu...

Huyện miền núi Thanh Sơn có 32 dân tộc sinh sống, trong đó người DTTS chiếm hơn 61%, chủ yếu là dân tộc Mường, Dao. Đồng chí Đỗ Thị Phương Hoa - Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: Giai đoạn 2022 và 2023, Thanh Sơn được phân bổ 219 tỉ đồng triển khai chương trình, trong đó, vốn ngân sách Trung ương hơn 189 tỉ đồng; vốn ngân sách địa phương 28,36 tỉ đồng. Huyện đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, triển khai phù hợp với hướng dẫn của tỉnh và đặc thù của địa phương; được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 6%, giảm 17% so với năm 2012.

Với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, vào cuộc khẩn trương của các cấp, ngành, địa phương, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được thực hiện đảm bảo các nội dung, chỉ tiêu cơ bản so với kế hoạch đề ra. Năm 2022, mức giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN là 1,38%, góp phần giảm mức tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đạt 0,69%, vượt 38% so với kế hoạch. Dự kiến, hết năm 2023, mức giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS& MN đạt 1,3%.

Công tác huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực đầu tư được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đáp ứng nhu cầu của chương trình, tập trung vào các công trình cấp thiết đối với cộng đồng. Tổng số vốn bố trí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023 là trên 784,3 tỉ đồng. Đến nay đã giải ngân trên 331,3 tỉ đồng (trong đó: vốn đầu tư phát triển gần 299 tỉ đồng; vốn sự nghiệp trên 32,6 tỉ đồng).

Tuy nhiên, việc triển khai nội dung trong Chương trình trên địa bàn cũng gặp một số khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa thực sự rõ ràng, cụ thể; xây dựng, ban hành các văn bản thực hiện, hướng dẫn ở một số nội dung đôi khi chưa kịp thời; tiến độ giải ngân, nhất là nguồn vốn sự nghiệp còn chậm.

Theo đồng chí Cầm Hà Chung - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung hỗ trợ cho vùng DTTS&MN, phát huy sức mạnh nội lực trong đồng bào, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong hoạt động sản xuất và đời sống. Đồng thời, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong triển khai thực hiện các dự án của Chương trình. Ban Dân tộc nghiên cứu, kịp thời ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn gắn với kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thựchiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút, vận động đồng bào các dân tộc tham gia vào các quá trình triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình...

V.V