Hiệu quả công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Tuyên Quang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, dân số trên 780.000 người, với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 53,7%.

Sóc Trăng: Nhiều kết quả từ công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tăng cường gắn kết giữa các tôn giáo, dân tộc

Tuyên Quang: Gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Ông Triệu Văn Xanh (giữa), Trưởng thôn Ngòi Lộc, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) tuyên truyền chính sách pháp luật cho nhân dân trong thôn.

Tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác dân vận, đặc biệt là công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội… công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả tích cực, các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, tích cực tham gia lao động, sản xuất, xây dựng quê hương.

Những kết quả tích cực

Ông Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhằm thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã tăng cường cải cách hành chính, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; các chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, nhà văn hóa, công trình thủy lợi…), các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án cụ thể đáp ứng lợi ích thiết thực của đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với từng địa phương.

Ngoài ra, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”; thường xuyên quan tâm, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở các cấp… Từ đó, tạo sự lan tỏa, thu hút nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào, các cuộc vận động, đóng góp xây dựng quê hương.

Xã Minh Khương, huyện Hàm Yên là “điểm sáng” trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Tuyên Quang. Ông Lê Nguyên Long, Bí thư Đảng ủy xã Minh Khương chia sẻ, xã có trên 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên công tác dân vận luôn được Đảng ủy xã đặc biệt chú trọng. Để triển khai tốt công tác dân vận trên địa bàn, Đảng ủy xã đã giao trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là bí thư chi bộ, trưởng các thôn, bản của xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời giải đáp những vướng mắc, băn khoăn của nhân dân về các chủ trương, chính sách của Nhà nước để người dân hiểu và thực hiện. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn là người gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phong trào để nhân dân noi theo. Đảng ủy xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ thực hiện công tác dân vận hằng năm...

Nhờ làm tốt công tác dân vận, trong những năm qua, địa bàn xã Minh Khương không có đơn thư vượt cấp; chương trình xây dựng nông thôn mới được nhân dân tích cực tham gia. Hiện, xã đã hoàn thành 9/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới: Trên 92% số người trong độ tuổi lao động có việc làm; 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% số thôn đạt thôn văn hóa; gần 70% kênh mương được kiên cố hóa… Đời sống của người dân địa phương từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống hơn 28%.

Chị Triệu Thị Tiến, dân tộc Dao, thôn Ngòi Lộc, xã Minh Khương cho biết, nhờ được cán bộ xã, thôn tuyên truyền vận động, người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích của mình trong xây dựng nông thôn mới, tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đóng góp xây dựng quê hương: Làm đường bê tông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa gắn với sân thể thao… Hiện nay, đời sống của người dân đã được nâng lên nhiều so với trước. Được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chị có điều kiện thăm khám sức khỏe định kỳ; đường thôn được bê tông hóa nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Góp phần nâng cao đời sống người dân

Đường bê tông ở thôn Ngòi Lộc, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) mới được đầu tư xây dựng. 

Công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang triển khai đồng bộ, tích cực; các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ người dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước như: Dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, các chương trình theo Nghị quyết 30a của Chính phủ... được triển khai có hiệu quả. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 99% thôn có đường ô tô đến trung tâm; trên 99% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia, 95% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh; mức thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 44,5 triệu đồng/người/năm, tăng 1,55 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,81% (năm 2016) xuống còn 9,03% (cuối năm 2020), trong đó, dân tộc thiểu số giảm còn 15,03%.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện kiên cố hóa trên 1.000km kênh mương; xây dựng 934 nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố; bê tông hóa 633 km đường giao thông nội đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, số tiêu chí bình quân đạt trên 15 tiêu chí/xã…

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, ông Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước tiên, phải xác định rõ công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối, chính  sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khuyến khích sự chủ động, tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số với quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đồng thời, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi; bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, đời sống, tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số để chủ động tham mưu, đề xuất, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, tìm giải pháp giải quyết hiệu quả…

Cũng theo ông Vượng, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về quốc phòng, an ninh cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở. Tỉnh quan tâm, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong sạch, vững mạnh.

Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số; tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân vận, công tác dân tộc ở các cấp; đổi mới phương thức công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh chú trọng biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong thực hiện công tác dân vận…

Vũ Quang (TTXVN)