Hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia ở tỉnh Kon Tum

(Mặt trận) -Để tạo sinh kế cho hộ nghèo nói chung và hộ nghèo dân tộc thiểu số nói riêng, tỉnh Kon Tum đã triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Nhờ đó, công tác giảm nghèo đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Mô hình Tổ hợp tác trồng dứa xen canh cây mắc-ca tại làng Ðăk Rô Gia (xã Ðăk Trăm, huyện Ðăk Tô, tỉnh Kon Tum) được nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số triển khai hiệu quả.

Huyện Ngọc Hồi, nằm tại vị trí Ngã ba Ðông Dương, giáp hai nước bạn Lào và Campuchia. Là huyện vùng biên giới, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, song trong những năm qua, nhờ triển khai tốt các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương cùng sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum; sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân, huyện Ngọc Hồi đã thực hiện hiệu quả nhiều dự án; qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.

Tham gia vào Tiểu dự án chăn nuôi bò cái sinh sản thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, chị Y Xê được hỗ trợ một con bò cái sinh sản để phát triển kinh tế hộ gia đình. Khi nhận được bò cái, chị được cán bộ hỗ trợ tập huấn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc phòng trị bệnh, hướng dẫn kiến thức chăn nuôi bò sinh sản… “Hiện nay, bò của mình đang phát triển rất tốt. Mình đang cố gắng chăm sóc để bò sớm đẻ ra bê, giúp mình nộp lại tiền hỗ trợ cho Nhà nước và vươn lên thoát nghèo”, chị Y Xê tâm sự.

Thời gian qua, bộ mặt nông thôn của huyện Ngọc Hồi dần được đổi mới. Kinh tế xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,21%. Cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân.

Ðến nay, 100% số xã có đường nhựa đến Ủy ban nhân dân, 100% số thôn có đường ô-tô đi đến được; 100% số xã cơ bản có hệ thống thủy lợi đáp ứng đủ nhu cầu về tưới tiêu. Tất cả các thôn, làng trên địa bàn đều có điện lưới để sử dụng sinh hoạt. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97%. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát triển. Trên địa bàn huyện có cả bảy xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; bốn thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu; thị trấn Plei Kần đạt 6/9 tiêu chí đạt chuẩn đô thị văn minh; hai xã nông thôn mới nâng cao (các xã Ðăk Nông, Ðăk Kan).

Huyện cũng đã triển khai một số mô hình kinh tế hỗ trợ người dân, thí dụ như các dự án về hỗ trợ chăn nuôi bò cái sinh sản thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa bàn các xã Sa Loong, Ðăk Xú, Ðăk Dục, Ðăk Nông.

Là hộ khó khăn trên địa bàn huyện, chị Bùi Thị Thu (dân tộc Mường), trú tại thôn Hào Lý, xã Sa Loong tâm sự, khi được hỗ trợ con bò cái sinh sản vào năm 2023, mình rất vui. Sau một thời gian chăm sóc, bò mẹ đã đẻ ra bê. Nhờ được hỗ trợ bò, mình có thêm phân bón để chăm sóc cho vườn cây của gia đình, tăng gia sản xuất.

Ðồng chí Bùi Văn Hiến, Bí thư kiêm Trưởng thôn Hào Lý, cho biết, năm 2024, thôn có 143 hộ, 583 nhân khẩu trong đó có 5 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo. Năm 2023, thôn Hào Lý được hỗ trợ 8 con bò sinh sản cho 8 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn. Ðến nay, các hộ nuôi bò sinh sản phát triển tốt. Sau khi nhận bò, chính quyền tổ chức lớp tập huấn cho các hộ. Ban Quản lý thôn, chi bộ, các tổ chức hội rất quan tâm, thường xuyên thăm hỏi việc chăn nuôi để có hướng xử lý phù hợp, nếu có bệnh, không để dịch lây lan. Bà con có đất vườn, bờ mương rộng đã biết tận dụng trồng cỏ làm thức ăn cho bò.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hồi Y Lan, việc triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới tại Ngọc Hồi luôn thuận lợi. Các chương trình, chính sách được triển khai luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, sự chủ động của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum A Kang cho biết, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa rất quan trọng và giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất của đời sống nhân dân. Sau hơn hai năm triển khai, các chương trình đã góp phần từng bước giải quyết có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội. Kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn được cải thiện đáng kể. Các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, góp phần phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân bảo đảm an sinh xã hội.

Thời gian tới, tỉnh Kon Tum tích cực, chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực nhà nước, xã hội và nhân dân để đầu tư thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững phù hợp các đặc điểm của từng địa phương. Trong đó, tỉnh chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng cơ bản phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân; hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả, gắn với đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới trên cơ sở liên kết theo chuỗi giá trị với cơ sở chế biến để bảo đảm ổn định nguồn tiêu thụ nông sản.

Vũ Long