Hiện tượng tôn giáo mới: Vấn đề đặt ra đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp

(Mặt trận) - Bên cạnh những đóng góp tích cực của cộng đồng tín ngưỡng và của các tổ chức, cá nhân tôn giáo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, thời gian qua, xuất hiện nhiều hoạt động “hiện tượng tôn giáo mới”. Để nâng cao hiệu quả công tác tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là “hiện tượng tôn giáo mới”, đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ động phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.     ẢNH: TIẾN ĐẠT 

Tính đến tháng 12/2023, Nhà nước đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân. Các tổ chức tôn giáo được tạo mọi điều kiện hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định pháp luật. Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện để các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo của tất cả các tôn giáo được diễn ra bình thường. Tuy nhiên, các hiện tượng tôn giáo mới, “tà đạo”, “đạo lạ” tiếp tục lôi kéo người tham gia; hoạt động truyền đạo xuyên biên giới, qua mạng Intenet..., gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự.

Việc nhận diện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mới, cũng như cách gọi tên còn gặp nhiều khó khăn (“tà giáo”, “đạo lạ”, “tôn giáo mới”, “hiện tượng tôn giáo mới”...). Từ việc chưa thống nhất trong nhận diện, cách gọi tên dẫn đến việc ứng xử với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mới còn nhiều lúng túng; có địa phương thì kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, có nơi coi đó là những hoạt động mang tính chất mê tín, dị đoan... Các cơ quan Trung ương liên quan và địa phương chưa đánh giá đầy đủ mặt tích cực cũng như những tác động tiêu cực của các “hiện tượng tôn giáo mới” để có biện pháp xử lý phù hợp. Chính vì vậy, thời gian qua tại một số địa phương tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mới có diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội:

(1) Xuất hiện nhiều “điện thờ tư gia” được xây dựng với nhiều hình thức, quy mô khác nhau, hoạt động như cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng, không được ngăn chặn kịp thời gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

(2) Vấn đề thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng, nhiều tổ chức, cá nhân cầu cúng mang tính chất “buôn thần, bán thánh”…

(3) Việc quyên góp và quản lý, sử dụng khoản thu ở phần lớn các cơ sở tín ngưỡng chưa thực hiện theo quy định của pháp luật.

(4) Vấn đề trao, tặng các danh hiệu của một số tổ chức xã hội cho một số người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để “đánh bóng”, quảng bá hình ảnh cá nhân với cộng đồng.

(5) Xuất hiện một số hiện tượng tín ngưỡng du nhập từ nước ngoài không phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam và vi phạm những quy định của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh những đóng góp tích cực của cộng đồng tín ngưỡng và của các tổ chức, cá nhân tôn giáo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, thời gian qua xuất hiện nhiều hoạt động “hiện tượng tôn giáo mới”. Một số đặc điểm để nhận diện về “hiện tượng tôn giáo mới”, đó là:

Thứ nhất, cần hiểu “hiện tượng tôn giáo mới” là gì? Hiện tại các văn bản của Nhà nước cũng như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng chưa có một khái niệm thống nhất, mà hiện tượng này còn có nhiều tên gọi khác nhau: “đạo lạ”, “tà đạo”... Khái niệm “tà đạo”, “đạo lạ” thường dùng để chỉ những “hiện tượng tôn giáo mới” xuất hiện. Tuy nhiên, nếu gọi “hiện tượng tôn giáo mới” là những "đạo lạ" thì chúng ta đã coi “hiện tượng tôn giáo mới” như là một loại “đạo”. Và như vậy “đạo” ở đây cần phải hiểu theo nghĩa là “tôn giáo” chưa định hình vì thực chất “hiện tượng tôn giáo mới” chưa đầy đủ những yếu tố để được coi như là một tôn giáo.

Do đó, việc tạm thời sử dụng khái niệm “hiện tượng tôn giáo mới” là phù hợp. Vì trong nó bao hàm: 1) Thời điểm xuất hiện là tương đối mới; 2) Có tính chất tôn giáo và có tính mới; 3) Cái gọi là “tổ chức” của các “hiện tượng tôn giáo mới” còn đơn giản, lỏng lẻo, chưa có đủ các yếu tố của một tôn giáo hoàn chỉnh (giáo lý, giáo luật, tổ chức và lễ nghi).

Thứ hai, một số biểu hiện của “hiện tượng tôn giáo mới”: 1) Có thể là sự phân rẽ từ một tôn giáo truyền thống, hiểu giáo lí và tôn thờ đối tượng theo cách riêng (như các hệ phái Tin Lành), song đi quá xa giáo lí gốc hoặc lấy một nội dung nào đó được cho là quan trọng, cơ bản nhất để tin theo; 2) Có thể xoay quanh trục một tôn giáo đã có sẵn, lắp ghép những yếu tố khác; họ cổ xúy niềm tin vào ngày tận thế, phủ nhận tất cả cái gì có trên trần gian, để đi vào cõi “thiên đàng mới” do họ vẽ ra; 3) Cũng có loại mang mầu sắc chính trị, trong giáo lí và nghi lễ mang yếu tố phản văn hoá...

Thứ ba, động cơ của những người sáng lập ra các “hiện tượng tôn giáo mới”: 1) Thường là hiện tượng dị thường nhằm thể hiện vai trò cá nhân hoặc để trục lợi về vật chất, mà không mang tính nhân văn như tôn chỉ của những tôn giáo truyền thống chân chính; 2) Đa số những người khởi xướng đều lợi dụng niềm tin mù quáng của một bộ phận quần chúng nhằm thu lợi bất chính về kinh tế; 3) Một số phần tử vì bất mãn, đã tiếp tay cho các thế lực thù địch, họ tìm mọi cách lợi dụng những sơ hở của hệ thống pháp luật hay sai lầm của một số cá nhân trong bộ máy quản lý nhà nước để kích động người dân chống đối Đảng, Nhà nước ta, gây thù hận dân tộc, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ tư, một số đặc điểm “hiện tượng tôn giáo mới”:

“Giáo lý, giáo luật”, thường lồng ghép trong đó những tín điều trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, phản văn hoá; mê hoặc quần chúng, lợi dụng các tà thuyết “ngày tận thế” để khống chế tinh thần đối với người theo đạo; xuyên tạc lịch sử, nói xấu xã hội thực tại và thường là vay mượn của các tôn giáo truyền thống.

Mục đính hoạt động, mục đích sâu xa là vì lợi ích của “giáo chủ” (người sáng lập) và của nhóm người đứng đầu, thể hiện thông qua hoạt động thu góp (lệ phí vào “đạo”, bán “sắc phong”, “bùa”, kinh sách, bốc bát hương, bán thuốc chữa bệnh trái phép…); khuyếch trương thanh thế bằng những luận điệu tuyên truyền mê hoặc quần chúng; thổi phồng các vấn đề bức xúc của xã hội, công kích xã hội đương thời và chính quyền các cấp; kích động và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; công kích, nói xấu các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân.

Thực hành nghi lễ, thường mang nặng yếu tố phản văn hóa, phản khoa học, tuyên truyền mê tín dị đoan, chà đạp nhân phẩm con người, đặc biệt phụ nữ; hủy hoại tài sản, tính mạng con người, phá hoại tổ ấm gia đình và ảnh hưởng tới đời sống xã hội (Đạo Ty - Đạo Chân không, Hội Thánh Đức Chúa trời mẹ...).

Phương thức hoạt động, bí mật là cách thức thực hiện hoạt động của “hiện tượng tôn giáo mới”, lẩn tránh sự quản lý của Nhà nước; lợi dụng những địa bàn khó khăn, những cộng đồng người có hoàn cảnh đặc biệt để dụ dỗ, lừa bịp, lôi kéo, khống chế người tin theo.

Vấn đề đặt ra, bên cạnh số ít mặt là tích cực, thời gian qua “hiện tượng tôn giáo mới” bị các thế lực xấu, thù địch lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây hậu quả không nhỏ về kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại nhiều địa phương.

Một là, những người cầm đầu các “hiện tượng tôn giáo mới” có hành vi thu tiền trái pháp luật của người tin theo, bán “kinh sách” cho “tín đồ”; lấy tiền của đóng góp của người tin theo để sử dụng vào việc riêng; tổ chức thực hành những nghi lễ gây hậu quả nghiêm trọng về mặt vật chất như: huỷ hoại tài sản, nhà cửa, lương thực, thực phẩm… Một số người theo các "hiện tượng tôn giáo mới" đã không quan tâm đầu tư lao động, sản xuất, kinh doanh đảm bảo cuộc sống gia đình, phát triển kinh tế, xã hội; thường xuyên tổ chức các cuộc thăm viếng, cúng lễ tại nhiều đền miếu ở các địa phương gây tốn kém thời gian, tiền bạc của những người tin theo.

Hai là, nhiều hoạt động của “hiện tượng tôn giáo mới” trái với truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc như việc bỏ bàn thờ tổ tiên, phá vỡ truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, ảnh hưởng đến tinh thần, nhân phẩm của người dân; gây chia rẽ gia đình, dòng họ, cộng đồng, xúi giục người tham gia không thừa nhận công ơn sinh thành của cha mẹ, ly khai, từ bỏ quan hệ huyết thống, ruồng bỏ gia đình, chỉ coi những người đồng đạo mới là anh em, khi người thân phản đối không tin, theo thì sẽ bị coi như ma quỷ (Hội Thánh Đức Chúa trời mẹ, Đạo Chân không…)… Tính chất mê tín dị đoan của các “hiện tượng tôn giáo mới” càng trở nên nguy hiểm khi nó gắn với người sáng lập và nhiều người trở nên mê muội, có những hành vi mất hết nhân tính, thiếu kiểm soát.

Ba là, hoạt động có khuynh hướng cực đoan, đưa một số lãnh tụ của Đảng, dân tộc thành “Đấng”, “Thánh”, từ đó phê phán lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xã hội thực tại hôm nay, (đạo “Thiên nhiên”, đạo “Bà Lương”…), tạo cơ hội cho các thế lực xấu lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Bốn là, sự xuất hiện các “hiện tượng tôn giáo mới” tạo nên sự chia rẽ trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, làm cho bức tranh tôn giáo trong nước trở nên phức tạp, giáo lý của các tôn giáo truyền thống bị xuyên tạc. Có thể gây nên những xung đột tín ngưỡng tôn giáo, chủ yếu là xung đột trong việc tìm kiếm, chinh phục tín đồ, mở rộng phạm vi truyền bá ảnh hưởng. Gây chia rẽ, mất đoàn kết trong cộng đồng, giữa những người tin theo và những người không tin theo; giữa các thành viên trong cùng gia đình, dòng tộc, thôn, xóm khiến nhiều gia đình ly tán.

Năm là, hoạt động các “hiện tượng tôn giáo mới” có nhiều nội dung vi phạm pháp luật, gây chia rẽ cộng đồng, phương hại tới sự ổn định chính trị, rất có thể biến thành công cụ của các thế lực chính trị phản động, thù địch. Nhiều “hiện tượng tôn giáo mới” cũng trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra hậu quả tiêu cực về trật tự xã hội, xâm phạm tài sản và nhân phẩm con người, mê tín dị đoan; phát tán những tài liệu tuyên truyền có nội dung nói xấu, phê phán, kích động hoạt động chống chính quyền, gây bất ổn xã hội...

Để nâng cao hiệu quả công tác tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt “hiện tượng tôn giáo mới”, đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ động phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo:

Cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, trong đó tập trung: Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ tôn giáo sống “Tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, “hiện tượng tôn giáo mới” chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh với các hành vi lợi dụng các “hiện tượng tôn giáo mới”. Trong đó, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo vận động chức sắc, chức việc, tín đồ không tin, không tham gia các “hiện tượng tôn giáo mới”. Đối với các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động gây ảnh hưởng đến chính trị, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia cần kiên quyết đấu tranh, xóa bỏ.

Chủ động tiếp xúc, xây dựng mối quan hệ cởi mở, chân thành, thực tâm với chức sắc, chức việc lãnh đạo, phụ trách tổ chức tôn giáo trên địa bàn, tạo niềm tin, đồng tình, gắn bó, đồng hành cùng chính quyền tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, xây dựng khối đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa đồng bào theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; chủ động hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng hiến chương, điều lệ của tôn giáo và quy định của pháp luật. Thường xuyên lắng nghe, giải quyết kịp thời, thỏa đáng các nhu cầu chính đáng, hợp pháp về sinh hoạt, hoạt động tôn giáo của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tổ chức tôn giáo; giải quyết, xử lý những vấn đề phát sinh trong hoạt động tôn giáo thông qua vận động, thuyết phục để đồng bào tôn giáo hiểu và thực hiện.

Quan tâm công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, từng bước loại bỏ những hủ tục lạc hậu, giữ gìn, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống; cung cấp đầy đủ thông tin, để Nhân dân tự nhận thức và tự giác xóa bỏ, cải biến các hủ tục lạc hậu, không bị lợi dụng, tin theo "hiện tượng tôn giáo mới"; đảm bảo những giá trị văn hóa dân tộc luôn được bổ sung, làm giàu thêm bởi những giá trị mới phù hợp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của Nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, đồng bào tôn giáo không tin, không nghe, không tham gia các “hiện tượng tôn giáo mới”; tích cực tham gia xây dựng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo, đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước làng xã, thôn xóm văn hoá và gia đình văn hóa; phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức lành mạnh, hướng thiện của tôn giáo phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc và đời sống xã hội; gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết hoà hợp đồng bào các tôn giáo cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với tình hình, đặc điểm từng tôn giáo, từng địa bàn; thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tôn giáo, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng của đồng bào tôn giáo; hướng dẫn tổ chức, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo không tin, không tham gia các “hiện tượng tôn giáo mới”, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chú trọng công tác xây dựng và phát huy vai trò cốt cán, người có uy tín trong tôn giáo làm nòng cốt cho công tác vận động, tập hợp đồng bào tôn giáo không tin, không tham gia các “hiện tượng tôn giáo mới”, chủ động, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc phát động; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội trong đồng bào tôn giáo; vận động tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia làm thành viên các tổ chức trong hệ thống chính trị theo quy định pháp luật, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Tiếp tục kiện toàn bộ máy, đi đôi với việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Hoàng Bá Hai - Thạc sĩ, Phó Vụ trưởng Vụ Tôn giáo,

Ban Dân vận Trung ương