'Hiến kế' phát huy vai trò của MTTQ trong phát triển vùng đồng bào DTTS

(Mặt trận) -Ngày 12/12, tại Kiên Giang, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo tìm giải pháp phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong công tác triển khai thực hiện và giám sát thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” khu vực Tây Nam Bộ.

Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng gặp mặt chức sắc tôn giáo tiêu biểu

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

 Quang cảnh hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Lê Mậu Nhiệm, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học - UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng với các đại biểu là cán bộ Mặt trận của 3 tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cà Mau.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang, chia sẻ: “Với mong muốn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện và giám sát thực hiện các chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đối với Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 để phân tích, làm rõ những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện và giám sát các chương trình, dự án, chỉ ra những tồn tại, hạn chế từ thực tiễn của địa phương. Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị các vấn đề cần khắc phục và đề ra các giải pháp phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong thời gian tới".

Bên cạnh đó, ông Phạm Thanh Hùng đã nêu ra một số giải pháp và đề xuất, kiến nghị để phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong triển khai thực hiện và giám sát thực hiện các chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào DTTS nói chung và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nói riêng.

Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, văn bản triển khai thực hiện về Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong quá trình thực hiện chương trình.

Cũng theo ông Phạm Thanh Hùng, Mặt trận các cấp cần nắm chắc việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào DTTS ở địa phương hằng năm để chủ động xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức giám sát ngay từ khi bắt đầu triển khai. Chú trọng hình thức phối hợp với đoàn đại biểu Quốc hội ở cấp tỉnh, phối hợp với HĐND, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để giám sát các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

“Cần lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và tiến độ đầu tư, triển khai thực hiện Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Không ôm đồm nhiều nội dung giám sát dẫn đến không khả thi khi triển khai thực hiện. Tăng cường tổ chức tập huấn kỹ năng giám sát cho đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp, nhất là cho cán bộ MTTQ cấp cơ sở. Trung ương cần sớm biên soạn tài liệu về công tác giám sát Chương trình MTQG để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Quan tâm sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác giám sát của MTTQ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia góp phần nâng cao hiệu quả giám sát” ông Phạm Thanh Hùng nói thêm.

Đồng thời ông Phạm Thanh Hùng cũng chỉ ra rằng, cần phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong giám sát thực hiện Chương trình MTQG. Trong quá trình giám sát, khi phát hiện sai sót, khuyết điểm mặt trận cần kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.

Tiến sĩ Lê Mậu Nhiệm, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học - UBTƯ MTTQ Việt Nam chỉ ra rằng, vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở Tây Nam Bộ là rất quan trọng trong việc thực hiện Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

“Sự chỉ đạo thống nhất của UBTƯ MTTQ Việt Nam, cùng với sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong cách làm của tổ chức mặt trận các cấp ở Tây Nam Bộ đối với công tác dân tộc đã góp phần mang lại kết quả tích cực trong công tác dân tộc nói chung và trong thực hiện chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Tây Nam Bộ nói riêng. UB MTTQ Việt Nam các cấp đã có những đổi mới tích cực về nội dung và phương thức hoạt động với công tác dân tộc trên cơ sở bám sát thực tiễn phù hợp với từng vùng, khu vực”, tiến sĩ Lê Mậu Nhiệm đánh giá.

Theo tiến sĩ Lê Mậu Nhiệm, Ủy ban MTTQ các cấp từ Trung ương đến địa phương đã tập trung giám sát, phản biện xã hội đối với những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào DTTS, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.

“MTTQ đã phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân, nhất là việc thực hành dân chủ ở cơ sở thông qua hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, bầu trưởng thôn, tổ trưởng dân phố…; đánh giá sự hài lòng của nhân dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, về kết quả xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả của giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng”, tiến sĩ Lê Mậu Nhiệm nhấn mạnh.

Hội thảo diễn ra với các hoạt động thảo luận, đánh giá sôi nỗi, các đại biểu đã “hiến kế” với các cách làm đổi mới, vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện, giám sát thực hiện các chương trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ở khu vực Tây Nam Bộ. Trên cơ sở thảo luận, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang đã tập hợp những sáng kiến hay, sáng tạo để nhân rộng ra toàn khu vực Tây Nam Bộ trong thời gian tới...

THẾ TRÂN