(Mặt trận) -Mô hình “Tổ tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đồng bào dân tộc, tôn giáo và vận động không vi phạm pháp luật” (mô hình) do UBMTTQ Việt Nam huyện Châu Thành phối hợp với UBMTTQ Việt Nam xã Phú Hữu thực hiện tại ấp Phú Nghĩa (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong người dân.
Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đồng bào dân tộc, tôn giáo ở ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang
Ấp Phú Nghĩa có diện tích tự nhiên hơn 280ha, có 529 hộ với 2.623 nhân khẩu. Ấp có 11 khẩu dân tộc Khmer, có 120 tín đồ tôn giáo. Đời sống của đồng bào dân tộc, tín đồ trên địa bàn ấp còn gặp nhiều khó khăn; tình hình tiếp cận các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn nhiều hạn chế.
Xuất phát từ thực tế trên, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện Châu Thành phối hợp với Mặt trận xã Phú Hữu xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình tại ấp Phú Nghĩa.
Hàng tháng, mô hình sẽ tổ chức tuyên truyền 1 lần; mỗi buổi sẽ tuyên truyền nhiều nội dung về Hiến pháp năm 2013; tuyên truyền cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường gắn với ứng phó biến đổi khí hậu... Bên cạnh tuyên truyền miệng, còn thường xuyên cung cấp các tờ bướm, tờ rơi pháp luật để người dân đọc và bổ sung những kiến thức cần thiết.
Vào đầu tháng 8 vừa qua, nhiều người dân ở ấp Phú Nghĩa tạm gác lại chuyện đồng áng, hăm hở tham dự buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật của mô hình, vì họ biết đây là diễn đàn hữu ích. Ông Đào Xuân Trường, ở ấp Phú Nghĩa, cho biết bản thân mình đã tiếp thu được nhiều thông tin pháp luật rất cần thiết cho cuộc sống.
“Chính quyền địa phương lồng ghép tuyên truyền nhiều nội dung, nhưng bản thân tôi thấy tâm đắc nhất là những thông tin pháp luật về bảo hiểm y tế. Được tuyên truyền, chúng tôi nhận thức rằng việc tham gia bảo hiểm y tế là rất cần thiết, để giảm nhẹ chi phí điều trị khi có bệnh tật”, ông Trường chia sẻ.
Không chỉ tuyên truyền, thông qua mô hình này, Đảng ủy, UBND xã Phú Hữu còn muốn ghi nhận nhiều ý kiến góp ý của người dân về khó khăn, hạn chế mà xã gặp phải hiện nay.
Ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Phú Hữu, cho biết: “Mỗi buổi tuyên truyền như vậy luôn thu hút khá đông người dân tham gia. Ngoài tuyên truyền pháp luật, chúng tôi còn xin ý kiến người dân về những bất cập còn tồn tại ở địa phương, như về hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức… Thông qua hình thức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp như vậy giúp Đảng ủy, UBND xã hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con. Từ đó, thực hiện nhiều công trình, phần việc, nhất là về chính sách an sinh xã hội để chăm lo tốt hơn đời sống người dân ở ấp Phú Nghĩa”.
Dân chủ đã được phát huy rõ rệt và hiệu quả thông qua cách làm trên. Ông Nguyễn Văn Bỉnh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Châu Thành, cho biết điều ấn tượng nhất với mô hình là đã tuyên truyền, phổ biến được nhiều thông tin pháp luật hữu ích cho đồng bào dân tộc, tín đồ. Một khi bà con có được nhiều kiến thức pháp luật thì sẽ tránh mắc phải những vi phạm không đáng có.
“Thông qua mô hình, người dân có thể nêu lên các ý kiến, kiến nghị để chính quyền địa phương ghi nhận, đề ra hướng giải quyết. Qua đó, người dân ngày càng tin tưởng, tín nhiệm hơn đối với hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân. Nếu mô hình được triển khai có hiệu quả thì chúng tôi sẽ cố gắng nhân rộng theo tình hình thực tế ra các ấp khác trên địa bàn xã”, ông Nguyễn Văn Bỉnh cho biết.
Nguyễn Triệu – Báo Hậu Giang
()