“Hạt nhân” tập hợp và gắn kết cộng đồng

(Mặt trận) -Với phương châm “gần dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, đội ngũ Trưởng ban công tác Mặt trận, già làng, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn khẳng định vai trò “hạt nhân” ở buôn làng, góp phần xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Ông Nay Bim-người có uy tín ở buôn Sar (xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa) được nhiều người quý mến, nể phục bởi lúc nào cũng lăn xả, nhiệt tình vì việc chung. Năm 1995, ông tự nguyện hiến 400 m2 đất ở để địa phương xây dựng 2 phòng học dành cho học sinh lớp 1. Năm 2013, ông tiếp tục hiến thêm 200 m2 đất làm phòng học cho các cháu mẫu giáo. “Hiện nay, đường sá đi lại thuận tiện, các trường học cũng được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, kiên cố. Do đó, 2 năm nay, các cháu tập trung về cơ sở chính, các phòng học này giao lại cho buôn quản lý”-ông Bim cho hay.

 Ông Nay Bim (thứ 3 từ trái qua) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2003-2023. Ảnh: P.D

Được cộng đồng tín nhiệm bầu làm người uy tín năm 2015, ông Bim cảm thấy vinh dự song cũng ý thức trách nhiệm nặng nề. Vì ông hiểu, mọi lời nói, hành động của bản thân có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Ông không cho phép bản thân nói suông. Mỗi ngày, ông dành thời gian gặp gỡ, nắm bắt tình hình đời sống bà con trong buôn, tìm hiểu tài liệu có liên quan để tuyên truyền, vận động và kịp thời giải đáp thắc mắc của bà con một cách “thấu tình đạt lý”. Nói về việc người dân trong buôn hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Bim chia sẻ: “Đây là cuộc vận động lớn, vô cùng ý nghĩa. Cùng với tuyên truyền, vận động, các cấp, các ngành còn hỗ trợ sinh kế, “cầm tay chỉ việc” giúp người dân mạnh dạn học hỏi cách làm mới trong sản xuất để cải thiện thu nhập. Các hủ tục cũng từng bước được xóa bỏ; thay vào đó là nếp sống chi tiêu tiết kiệm, đặc biệt không còn lãng phí trong việc cưới, việc tang”.

 Bà Huel (bìa trái) trao đổi với người dân trong làng. Ảnh: P.D

Bà Huel-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Đê Ktu (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Bà Huel đã cùng với các tổ chức đoàn thể trong làng duy trì, triển khai có hiệu quả việc huy động các hộ dân tham gia dọn vệ sinh tại đường làng, ngõ xóm vào chiều chủ nhật hàng tuần. Bà Huel thông tin: “Làng có 136 hộ dân chia làm 6 tổ theo cụm dân cư. Việc dọn vệ sinh hàng tuần do các tổ phụ trách thông báo đến từng hộ dân. Mỗi hộ cử 1 người đại diện tham gia. Hoạt động này duy trì nhiều năm nay”. Đến nay, 100% hộ dân đều có chuồng trại chăn nuôi gia súc; nhiều gia đình xây nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; các hộ duy trì trồng, chăm sóc 3 tuyến đường hoa; đóng góp kinh phí lắp đặt 30 bóng điện thắp sáng ở 5 trục đường làng, giúp người dân đi lại thuận lợi, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới.

Một điển hình khác là ông Rơ Châm Tích (làng Mook Đen 1, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ). Hơn 70 năm gắn bó với mảnh đất biên giới nên ông Tích cảm nhận rất rõ về những đổi thay tích cực của quê hương. Ông Tích phấn khởi nói: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của bà con trong làng ngày càng được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Các trục đường làng rộng rãi, sạch sẽ; nhiều nhà dân được xây dựng khang trang. Đặc biệt, các vụ mâu thuẫn giảm rõ rệt. Có khi vài tháng, thậm chí cả năm, mình mới phải tham gia hòa giải 1 vụ việc”. Ngoài vai trò già làng, thành viên tổ hòa giải, ông Tích còn được biết đến là thành viên tích cực của tổ tự quản đường biên, cột mốc. Nắm rõ các hộ dân có đất sản xuất gần khu vực đường biên, cột mốc, ông thường đến tận nơi để tuyên truyền, vận động bà con nâng cao tinh thần cảnh giác, không xâm lấn, không bao che hay tiếp tay cho các hoạt động phạm tội; khi thấy dấu hiệu bất thường báo ngay cho lực lượng chức năng kịp thời xử lý.

 Ông Rơ Châm Tích (thứ 3 từ phải sang, làng Mook Đen 1, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) trò chuyện cùng các lực lượng chức năng trên địa bàn. Ảnh: P.D

Toàn tỉnh hiện có 955 già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và có 1.576 trưởng ban công tác Mặt trận thôn, làng, tổ dân phố. Những năm qua, đội ngũ này thực sự là những “hạt nhân”, “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền địa phương; giữ vai trò quan trọng trong việc khơi gợi, tập hợp, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Nếu già làng được ví như “điểm tựa của buôn làng” thì các trưởng ban công tác Mặt trận cũng không ngại khó, ngại khổ lăn lộn với phong trào, hết lòng vì dân. Họ chính là những “hạt nhân” trong cộng đồng dân cư. Các ngành, các địa phương trong tỉnh nói chung, Mặt trận các cấp nói riêng đánh giá cao vai trò của lực lượng này trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”.

PHƯƠNG DUNG