Hà Quảng nỗ lực giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

(Mặt trận) -Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là một trong những huyện có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) còn tồn tại khá cao, dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Theo thống kê, từ năm 2015 - 2022, toàn huyện có 497 cặp tảo hôn. Trong đó, dân tộc Mông 405 người, dân tộc Dao 165 người, dân tộc Nùng 100 người, dân tộc Tày 17 người, dân tộc khác 3 người; có 329 nam giới kết hôn khi chưa đủ 20 tuổi, 361 nữ giới kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi. Tổng số cặp kết hôn, tảo hôn 1 người (vợ hoặc chồng) là 303 cặp/5.256 cặp kết hôn, chiếm 5,76%; số cặp kết hôn tảo hôn cả 2 người (vợ, chồng) 194 cặp/5.256 cặp kết hôn, chiếm 3,7%. Toàn huyện có 12 cặp hôn nhân cận huyết thống. 

Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn Vương Văn Vinh chia sẻ: Đến tháng 5/2023, toàn xã có 210 cặp tảo hôn. Tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn cao do trình độ dân trí thấp, vì vậy việc tiếp thu, nhận thức về Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như hậu quả của TH&HNCHT còn hạn chế. Hằng năm, kinh phí triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về TH&HNCHT quá ít, các hoạt động chỉ được triển khai thí điểm ở một số xóm, vì vậy hiệu quả mang lại chưa cao, một số nơi làm còn mang tính hình thức.

Lãnh đạo tỉnh và huyện Hà Quảng trao đổi, tuyên truyền về tác hại của tảo hôn tại xóm Lũng Gà, xã Thượng Thôn. 

Tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn huyện vẫn còn diễn ra ở nhiều xã, nhất là địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Nguyên nhân chính do tập quán lạc hậu và quan niệm sống của một số gia đình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chưa hiểu được hậu quả nặng nề từ việc hôn nhân cận huyết thống; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về TH&HNCHT chưa được quan tâm đúng mức, chưa có cơ quan chuyên trách quản lý, kiểm tra, kiểm soát; trình độ của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa am hiểu về pháp luật và hậu quả nặng nề từ việc hôn nhân cận huyết thống; tình trạng quan hệ tình dục không lành mạnh và không an toàn trước hôn nhân dẫn đến có thai ngoài ý muốn buộc hai bên gia đình phải tổ chức lễ cưới... 

Năm 2016, huyện triển khai 2 mô hình điểm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” tại xã Bình Lãng (nay là xã Thanh Long) và xã Nội Thôn; thành lập tổ tư vấn tại các xóm, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi tìm hiểu về Luật Hôn nhân và Gia đình dưới dạng tiểu phẩm, trả lời câu hỏi trắc nghiệm… Qua đó, tạo sức lan tỏa đến từng hộ gia đình, nhận thức của đồng bào DTTS về tác hại của TH&HNCHT được nâng lên đáng kể. 

Huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các chính sách dân tộc, Luật Hôn nhân và Gia đình, những hậu quả của TH&HNCHT; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền về thực hiện đề án, ban hành các văn bản chỉ đạo và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách đầu tư để thực hiện đề án; triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS (Tiểu dự án 2 -  Dự án 9); duy trì và nhân rộng các mô hình tại các xã, trường học có tỷ lệ tảo hôn cao nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS. 

Minh Tuyền