Hà Nam: Hiệu quả mô hình “Xứ, họ đạo bình yên - gia đình văn hóa” ở Thanh Liêm

(Mặt trận) - Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của đồng bào công giáo trong công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) ở khu dân cư, năm 2017, Ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) huyện Thanh Liêm phối hợp với Công an huyện triển khai mô hình “Xứ, họ đạo bình yên - gia đình văn hóa”. Sau hơn 5 năm thực hiện, mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 

Thôn Bói (trước là thôn Phố Bói và thôn Bói Hạ), xã Thanh Phong (Thanh Liêm) là thôn công giáo toàn tòng với 282 hộ, 1.116 nhân khẩu. Trước đây, địa bàn này được xác định là một trong những tụ điểm phức tạp về ANTT và là “điểm đen” về trật tự an toàn giao thông. Các đối tượng thường lưu trú, tập trung ở khu vực này để mua bán trái phép chất ma túy gây bức xúc trong nhân dân.

Nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng trên, năm 2019, được sự chỉ đạo của Công an huyện và Ban ĐKCG huyện, Công an xã Thanh Phong đã phối hợp với cấp ủy chi bộ và Ban hành giáo thôn Bói triển khai xây dựng mô hình “Xứ, họ đạo bình yên - gia đình văn hóa”.

Ngay sau lễ ra mắt, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong thôn cùng ban hành giáo tập trung tuyên truyền nội dung, ý nghĩa, mục đích của mô hình tới từng hộ gia đình. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên 100% hộ dân trong thôn đã ký cam kết tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT.

Đồng chí Phạm Văn Lịch, Bí thư Chi bộ thôn Bói cho biết: Chúng tôi thấy mô hình này rất hiệu quả, nhờ sự quan tâm của lực lượng công an và linh mục quản xứ nên tình hình ANTT trong thôn luôn bảo đảm. Việc thành lập mô hình đã tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Ban hành giáo, cán bộ thôn và giáo dân. Mô hình không những góp phần bảo đảm ANTT ở địa bàn thôn mà còn vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực thi đua phát triển kinh tế bền vững.

Giống như thôn Bói, thôn Thượng Phú (trước là thôn Thượng Trang và thôn Phú Lộc), xã Liêm Phong có 68% số dân là đồng bào công giáo. Từ năm 2018 về trước, thôn cũng được coi là địa bàn phức tạp về ANTT, TNXH, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Năm 2018, cấp ủy, chi bộ thôn phối hợp với Ban hành giáo xây dựng mô hình “Xứ, họ đạo bình yên – gia đình văn hóa”, số vụ việc liên quan đến ANTT tại địa bàn thôn đã giảm về số lượng và tính chất, mức độ theo từng năm, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều vấn đề liên quan đến nhu cầu, nguyện vọng sinh hoạt tôn giáo chính đáng của giáo dân được các vị linh mục và Ban hành giáo trao đổi với các cấp chính quyền giải quyết thấu đáo.

Nội dung của mô hình “Xứ, họ đạo bình yên – gia đình văn hóa” là tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào công giáo tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm ANTT, không để địa bàn xảy ra tội phạm, TNXH. Mặt khác, tích cực thực hiện đường hướng của giáo hội “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, sống “Tốt đời đẹp đạo”, chấp hành các quy định của pháp luật, quy ước, hương ước của làng văn hóa.

Theo thống kê của Ban ĐKCG huyện, từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã thành lập và duy trì có hiệu quả được 16 mô hình tại các xứ, họ đạo. Qua hơn 5 năm thực hiện mô hình, người dân đã cung cấp cho lực lượng công an 168 nguồn tin có giá trị, giúp làm rõ 28 vụ việc liên quan đến ANTT, xử lý 16 đối tượng, cảm hóa 12 người vi phạm pháp luật. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã phối hợp với hội đồng giáo xứ, giáo họ giải quyết hàng chục vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ giáo dân.

Có thể khẳng định, sau hơn 5 năm thành lập, mô hình “Xứ, họ đạo bình yên – gia đình văn hóa” trên địa bàn huyện Thanh Liêm đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững ANTT ở cơ sở. Qua thực hiện mô hình, thể hiện rõ vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc nắm chắc tình hình cơ sở, tình hình nhân dân, từ đó quy tụ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, động viên các tầng lớp nhân dân chung sức thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.