Hà Giang: Nâng cao vai trò của Tổ giám sát cộng đồng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia

(Mặt trận) -Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Phát triển Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Hà Giang đã giao cho UBND cấp xã, thị trấn làm chủ đầu tư các công trình dưới 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do cấp xã, thị trấn là cơ quan quản lý Nhà nước chưa có nhiều năng lực và kinh nghiệm trong quản lý các công trình nên không tránh khỏi bộc lộ những hạn chế.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Tổ GSCĐ thôn Làng Thượng giám sát công trình nhà văn hóa, thể thao đa năng của xã Khuôn Lùng , huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Quỳnh Châu

Thực hiện chủ trương “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, UBND các xã, thị trấn ở Hà Giang đã thành lập những Tổ giám sát cộng đồng (GSCĐ) tại các thôn, bản do người dân bầu ra khi thực hiện các Chương trình MTQG. Từ đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc đôn đốc, kiểm tra chất lượng các công trình tại địa phương.

Nàn Ma là một trong những xã nghèo của huyện Xín Mần, người dân chủ yếu là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%. Những năm trở lại đây, nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương, xã Nàn Ma đang thay da đổi thịt từng ngày.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Xín Mần Vàng Văn Dân chia sẻ: “Chương trình MTQG đã góp phần nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, tạo sinh kế, việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn. Để Chương trình đạt hiệu quả cao, xã đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc, phân công cụ thể cho từng Tổ GSCĐ ở các thôn, bản. Từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân và mối liên hệ xuyên suốt hướng dẫn thực hiện ở cơ sở”.

Theo chân Bí thư Đảng ủy xã Vàng Văn Dân, chúng tôi đến thăm công trình đường bê tông đi thôn Nàn Lý, do UBND xã làm chủ đầu tư. Công trình được làm theo tiêu chuẩn đường nông thôn mới miền núi có chiều rộng là 3.5m, độ dày mặt bê tông là 0.25m. Bí thư Dân chia sẻ thêm, đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối giao thương, phát triển kinh tế, ổn định đời sống vùng đồng bào dân tộc Mông. Do đó, trong quá trình thi công Tổ GSCĐ luôn trực tiếp bám nắm tại công trường, kiểm tra, giám sát quá trình thi công của nhà thầu theo đúng thiết kế.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, thôn Nàn Lý cũng đang hình thành vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp trồng gừng Trâu, củ Kiệu xuất khẩu sang Nhật Bản. Tuyến đường hoàn thành như làn gió mới giúp người dân kết nối giao thương, phát triển kinh tế. Ông Giàng Sính Sùng, thành viên Tổ GSCĐ phấn khởi nói: “Con đường lầy lội, trơn trượt trước kia chỉ còn trong kí ức của bà con. Chúng tôi hưởng lợi từ tuyến đường mới này, được cùng tham gia làm chủ thì chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo sự minh bạch, khách quan giúp chính quyền xã quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước”.

Tiếp tục tìm hiểu các Tổ GSCĐ, chúng tôi đến Khuôn Lùng, xã đầu tiên của huyện Xín Mần công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Thăm quan một số thôn, bản và làng văn hóa cộng đồng thôn Nà Ràng dễ dàng nhận thấy, bộ mặt nông thôn ở Khuôn Lùng đã thay đổi với các tuyến đường được bê tông hóa, mặt đường mở rộng theo quy chuẩn. Các công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm đã được xây dựng khang trang.

Phó Chủ tịch HĐND xã Khuôn Lùng Hoàng Văn Việt chia sẻ: “Đối với các công trình xây dựng cơ bản ở địa phương thì vai trò của Tổ GSCĐ rất quan trọng trong việc xây dựng NTM và thực hiện Chương trình MTQG. Trong quá trình thực hiện công trình ở thôn, bản nào thì cơ sở đó tự thành lập Tổ GSCĐ do Bí thư, Trưởng thôn và người đứng đầu các đoàn thể phụ trách. Do đó, chính quyền xã và người dân rất tin tưởng về tính minh bạch, trung thực và hiệu quả trong quá trình giám sát các hạng mục công trình đúng tiến độ và chất lượng”.

Công trình xây dựng nhà văn hóa, thể thao đa năng xã Khuôn Lùng với số vốn đầu tư 1.5 tỷ đồng, được khởi công từ 6/2023, dự kiến 10/2023 sẽ hoàn thành. Mặc dù công trình là hợp phần cơ sở vật chất của UBND xã nhưng giám sát thi công lại là Tổ GSCĐ với nhiệm vụ giúp xã giám sát nhà thầu từ nguyên vật liệu đến nắm bắt tiến độ, chất lượng công trình. Ông Hoàng Thái Lâm, Trưởng thôn, đồng thời là Tổ trưởng tổ GSCĐ cùng các thành viên luôn bám nắm và thường xuyên có mặt tại công trường, kiểm tra đầu vào vật liệu, báo cáo tiến độ dự án cho cấp ủy, chính quyền xã hàng ngày. Do vậy, dự án này đạt được các tiêu chí về chất lượng theo đúng thiết kế và tiến độ đề ra.

 Tổ GSCĐ thôn Nàn Lý, xã Nàn Ma, huyện Xín Mần, tỉnh Hà giang kiểm tra chất lượng công trình tuyến đường bê tông từ trung tâm xã vào thôn. Ảnh: Quỳnh Châu

Tuyến đường bê tông nối từ xã Hữu Sản, huyện Bắc Quang đến thôn Trung Sơn dài 1,4km được hoàn thành từ năm 2020. Tuyến đường này được nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào Pà Thẻn (dân tộc dưới 10 nghìn người). Nhờ có sự giám sát chặt chẽ của Tổ GSCĐ thôn nên có một số đoạn thi công chưa đạt yêu cầu, đã được Tổ GSCĐ báo cáo chính quyền xã đề nghị nhà thầu khắc phục chất lượng công trình. Tuy nhiên, hiện nay nhà thầu vẫn chưa khắc phục sửa chữa một số đoạn hư hỏng, xuống cấp nên tuyến đường này vẫn chưa thể nghiệm thu. Trước sự kiên quyết của Tổ GSCĐ cũng như UBND xã Hữu Sản, nhà thầu phải thực hiện các cam kết sớm khắc phục những đoạn đường chưa đạt chất lượng.

Ông Phạm Duy Hiền, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần chia sẻ: Trong quá trình huyện triển khai Chương trình MTQG nếu có vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện dự án, Tổ GSCĐ có thể phản ánh và yêu cầu nhà thầu các biện pháp khắc phục. Điều này giúp đảm bảo rằng các vấn đề được xử lý kịp thời và hiệu quả, đồng thời tạo cơ hội cho người dân tham gia vào quá trình thực hiện các dự án sẽ góp phần đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Huyện cũng đã giao cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp có vai trò kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động của Tổ GSCĐ tại cơ sở.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Giang là địa phương được giao tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG cao nhất trong cả nước với gần 5.4 nghìn tỷ đồng. Điều này mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhưng đồng thời cũng đặt gánh nặng trên vai chính quyền cấp cơ sở. Việc thành lập những Tổ GSCĐ để người dân làm chủ trong quá trình giám sát, đóng góp không nhỏ vào việc đảm bảo sự minh bạch, hiệu quả và công bằng trong việc sử dụng nguồn vốn quốc gia.

Điều này cũng mang lại lợi ích kép vừa góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM. Đồng thời, đảm bảo cho tính công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; góp phần nâng cao chất lượng công trình trên địa bàn tỉnh Hà Giang một cách hiệu quả, thiết thực.

Quỳnh Châu