(Mặt trận) - Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên về giáo dục đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Các chính sách giáo dục đã và đang phát huy tác dụng, giúp hầu hết trẻ em trong độ tuổi được đến trường, học sinh DTTS được học tiếng phổ thông, học văn hóa, được giao lưu và tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật. Cũng từ đó, chất lượng giáo dục của các trường học, trường dạy nghề ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS từng bước được nâng lên.
|
Giáo viên Trường THCS Sà Phìn (Đồng Văn) hướng dẫn học sinh đăng ký hồ sơ vào lớp 6. |
Tại Đồng Văn, với 97% dân số là đồng bào DTTS, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, đầu tư phát triển giáo dục được huyện xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Hiện, toàn huyện Đồng Văn có 54 trường học các cấp. Những năm qua, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục; mạng lưới, quy mô trường, lớp từ Mầm non đến THPT được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập cho các em học sinh. Đặc biệt, tại các thôn, bản vùng cao, vùng biên giới đã có nhiều lớp Mầm non kiên cố được xây dựng, hầu hết các xã có trường Tiểu học, THCS ở khu vực trung tâm. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, ngày càng có nhiều trường hướng tới mục tiêu đạt chuẩn Quốc gia.
Trong năm học 2020-2021, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các trường học trên địa bàn đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới nội dung, phương thức dạy học. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa, nâng cao; chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp cũng được quan tâm hơn, các buổi sinh hoạt chuyên môn của giáo viên đi sâu hơn vào công tác chuyên môn để chia sẻ, đánh giá các giờ dạy. Trong công tác chuyên môn, các trường học tổ chức nhiều kỳ thi trên internet cho học sinh các cấp như: Kỳ thi Olympic tiếng Anh; kỳ thi Hương “Trạng Nguyên Tiếng Việt”;… thu hút đông đảo học sinh tham gia. Số lượng học sinh trên địa bàn tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt giải cao tăng mạnh. Song song với đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống,.. được tổ chức định kỳ cũng giúp học sinh giảm áp lực, tăng hứng thú học tập. Đặc biệt, việc thực hiện có hiệu quả Đề án đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại các trường học đã giúp các em học sinh thêm hiểu biết, khơi gợi tinh thần dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết trong tập thể.
Theo đánh giá, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện năm học 2020-2021: Chất lượng khảo sát Mầm non, đạt 96,5%; kết quả xét hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 98%; xét tốt nghiệp THCS đạt 99,6%; tỷ lệ học sinh THCS đi học tại các trường THPT và trường nghề tăng hàng năm. Số tiết học được sếp loại khá, giỏi tại các cấp đạt tỷ lệ cao. Bên cạnh đó các chế độ cho học sinh vùng đồng bào DTTS được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo cho các em học sinh yên tâm đến trường.
Bà Mua Thị Hồng Minh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Đồng Văn cho biết: Kết quả học tập, giảng dạy trong năm học 2020-2021 và những năm trước đó thể hiện sự thay đổi tích cực của nền giáo dục huyện vùng cao Đồng Văn. Thời gian tới, Phòng Giáo dục sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trường học chú trọng nâng cao hiệu quả tăng cường tiếng Việt cho học sinh, thực hiện tốt việc đánh giá chất lượng giáo dục của các trường, địa phương để có giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế. Việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên sẽ tiếp tục chú trọng hơn đến các nội dung mang tính đặc thù của vùng DTTS như: Giáo dục kỹ năng sống, công tác học sinh nội trú, tâm lý học sinh, giáo dục văn hóa truyền thống... Đặc biệt, khuyến khích các trường học, các địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm mang lại hiệu quả trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở các trường, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em học sinh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Nguyễn Văn Chinh cho biết: Để bức tranh giáo dục vùng đồng bào DTTS huyện Đồng Văn thêm khởi sắc, huyện sẽ tiếp tục rà soát lại thực trạng phát triển của hệ thống các trường học, cơ sở giáo dục để có phương án quản lý phù hợp. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho giáo viên yên tâm công tác, học sinh yên tâm đến trường. Từ đó, tạo ra những thế hệ mới, có tri thức, đóng góp một phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Theo Báo Hà Giang