Hà Giang giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Hà Giang đã chỉ đạo lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024

 Đặc sản chè Shan tuyết Hà Giang được coi là cây thoát nghèo của nhiều gia đình tại xã vùng cao Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Cùng với việc thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của Đảng và Nhà nước thì tỉnh Hà Giang còn chủ động huy động các nguồn lực như: ngân sách địa phương, các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp chung tay xóa nghèo bền vững cho đồng bào.

Huy động hiệu quả các nguồn lực

Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới ở cực Bắc nước ta, với dân số trên 85 vạn người với 19 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 87%. Trong đó dân tộc Mông chiếm đa số, còn lại là các dân tộc Tày, Dao, Kinh, Nùng, Giấy, Lô Lô…

Dù có diện tích tự nhiên lớn với 7.945 km2 nhưng địa hình của Hà Giang chủ yếu là núi đá hiểm trở nên việc phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Qua thống kê, theo chuẩn nghèo đa chiều, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh đầu năm 2022 có trên 79 nghìn hộ, chiếm khoảng 42% tổng số hộ toàn tỉnh...Trong đó số hộ nghèo và cận nghèo chủ yếu vẫn đến từ các hộ đồng bào DTTS, đồng bào ở vùng xa, khó khăn, nhiều xã, huyện tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất cao, nhất là 7 huyện biên giới và huyện Bắc Mê...

Để chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào DTTS, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, đề án khác đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện đối với vùng dân tộc và miền núi. Tỉnh đã ban hành các chính sách và tuyên truyền, khuyến khích người dân tại cộng đồng dân tộc vùng đồng bào DTTS phát huy nội lực để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình, giải pháp đồng bộ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, thiết yếu cho đồng bào DTTS tại các huyện nghèo phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: các công trình hạ tầng giao thông, điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất; các công trình y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; các công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; thủy lợi phục vụ sản xuất; các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao.

Đối với Chương trình 30a, giai đoạn 2016-2020 ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng gần 1.300 tỷ đồng, hỗ trợ đầu tư 326 công trình, trong đó: 201 công trình đã hoàn thành quyết toán, chờ quyết toán, công trình chuyển tiếp; 125 công trình khởi công mới; duy tu bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp trên 107 lượt công trình.

Đối với Chương trình 135, tổng số vốn được giao giai đoạn 2016-2020 là trên 1.100 tỷ đồng, tỉnh đã thực hiện 1.300 lượt công trình, chủ yếu là làm các công trình giao thông, cấp nước sinh hoạt, thủy lợi, lớp học, nhà văn hóa thôn; hỗ trợ mua giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, vật liệu xây dựng… cho trên 136.000 hộ; xây dựng 103 mô hình giảm nghèo cho gần 2.200 hộ.

Không chỉ được hỗ trợ về vật tư, thiết bị sản xuất và nguồn vốn, hằng năm, hàng nghìn lượt hộ vùng đồng bào DTTS và miền núi tại Hà Giang còn được tham gia tập huấn, được bồi dưỡng kiến thức để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cùng với việc chăm lo ổn định đời sống kinh tế, tỉnh cũng quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa, pháp luật, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào các DTTS; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ các tập quán lạc hậu, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

 Nhiều hộ đồng bào dân tộc huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) thoát nghèo nhờ nuôi trâu.

Tận dụng tiềm năng thế mạnh

Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi của Hà Giang ngày càng đổi thay, khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng sâu, vùng xa từng bước được cải thiện, nâng cao.

Giám đốc Sở Lao động TB&XH Hà Giang Sùng Đại Hùng chia sẻ: Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với đồng bào DTTS tuy gặp không ít khó khăn, nhưng tỉnh đang phấn đấu Năm 2022, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo cách tiếp cận đa chiều, tỉnh ta phấn đấu giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo, trong đó các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 4,4%. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm trên 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%/năm; phấn đấu 2 huyện nghèo và 29 xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2020 (năm 2020 là 9,5 triệu đồng/năm).

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững để hộ nghèo, người dân vùng đồng bào DTTS khó khăn được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh Hà Giang đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp gắn kết giữa kiến thức bản địa với áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng chú trọng các sản phẩm đặc hữu gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị về chè, cam, bò, mật ong, vùng trồng dược liệu quý. Tập trung nguồn lực phát triển 5 cây (cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, dược liệu, lúa đặc sản chất lượng cao, Tam giác mạch) và 3 con (bò vàng, lợn đen, mật ong Bạc hà)…

Song song với đó Hà Giang cũng tận dụng thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, với những sản phẩm du lịch mang tính đặc hữu; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS; phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và các di sản văn hoá cấp quốc gia. Các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang.

Đức Cảnh