Gương sáng buôn làng

(Mặt trận) -Không chỉ gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình, nhiều già làng, trưởng thôn còn tích cực vận động, giúp đỡ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và khéo léo trong việc giải quyết mâu thuẫn trong dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

“Già Jú dân vận”

Theo lời giới thiệu của ông Ksor Nơk- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Rong (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), chúng tôi về làng Tao Kó để gặp “Già Jú dân vận” như cách gọi thân thương của dân làng. Ông Siu Jú cho biết: “Muốn dân làng nghe và làm theo thì mình phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua. Chính vì vậy, dù tuổi đã cao nhưng mình vẫn cố gắng phát triển kinh tế gia đình và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bà con noi theo”. 

 Già làng Siu Jú (bên phải) luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua ở địa phương.

Ông Jú kể: Những năm 2016-2017, khi cây hồ tiêu bị chết hàng loạt do dịch bệnh, giá cả xuống thấp, đời sống gia đình ông cũng như người dân trong làng gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, ông đã tiên phong chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng cà phê kết hợp chăn nuôi bò, heo. Sau khi trừ chi phí đầu tư, tổng thu nhập từ vườn cà phê và chăn nuôi của gia đình ông Jú đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

“Những năm qua, dù được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều chính sách, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, nhưng đời sống của bà con vẫn còn khó khăn. Vì vậy, mình phải tiên phong, gương mẫu làm kinh tế để con cháu và dân làng noi theo. Nhờ vậy, từ một làng có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50% thì đến nay giảm còn hơn 23% hộ nghèo và cận nghèo”-ông Jú phấn khởi khoe.

Theo anh Siu Thin, bà con rất biết ơn già làng Siu Jú. “Già đã giúp đỡ dân làng rất nhiều, nhất là giúp bà con trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, gia đình mình thuộc diện hộ nghèo. Nhờ được già Jú hướng dẫn chuyển đổi gần 1 ha đất trồng mì sang trồng cà phê xen cây ăn quả nên bây giờ gia đình mình đã thoát nghèo”-anh Thin nói.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Rong nhận xét: Nhiều năm qua, ông Jú là thành viên tích cực trong Ban Công tác Mặt trận thôn và rất có uy tín trong cộng đồng. Đặc biệt, ông còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế để dân làng Tao Kó nói riêng và người dân trong huyện nói chung học tập, noi theo. Với những đóng góp trong công tác xã hội, ông đã được các cấp, ngành tặng nhiều giấy khen, bằng khen; điển hình như bằng khen của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư giai đoạn 2018-2020.

“Quan tòa” làng Sur A

Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Sur A (xã Ia Ko, huyện Chư Sê), ông Kpuih Ten luôn đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông còn tham gia hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, ổn định an ninh trật tự ở cơ sở.

 Ông Kpuih Ten (bìa trái) được xem là “quan tòa” của làng Sur A (xã Ia Ko, huyện Chư Sê) nhờ hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn trong dân.  

Cách đây vài năm, chỉ vì hiểu nhầm, nhóm thanh niên làng Sơr (xã Ia Ko) đã gây sự rồi vô cớ đánh 3 thanh niên làng Sur A dẫn đến thương tích. Vụ việc này khiến hai bên mâu thuẫn kéo dài. Nắm bắt sự việc, ông Ten phối hợp với hệ thống chính trị làng Sơr tiến hành mời các thanh niên đến nói chuyện để hai bên hiểu rõ. Tuy nhiên, do không chịu thừa nhận hành vi vi phạm, nhóm thanh niên làng Sơr vẫn cố chấp, né tránh và đòi ra về. Trong tình thế đó, ông Ten yêu cầu nhóm thanh niên ngồi lại, nghe ông phân tích, giải thích riêng cho từng đối tượng hiểu rõ luật tục, về hành vi cố ý gây thương tích cho người khác là vi phạm pháp luật. Hiểu thấu đáo vấn đề, nhóm thanh niên làng Sơr nhận ra hành vi sai trái, đứng ra xin lỗi, đồng thời, bồi thường tổn thất về sức khỏe cho các thanh niên làng Sur A.

Từ khi được bầu làm Tổ trưởng Tổ hòa giải làng Sur A (năm 2018) đến nay, ông Ten đã phân xử rất nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn, từ vụ thanh niên gây gổ đánh nhau, mâu thuẫn vợ chồng đến tranh chấp đất đai. Riêng từ năm 2022 đến nay, ông đã hòa giải thành công 25/25 vụ việc.

Không chỉ hòa giải các vụ mâu thuẫn phát sinh trong đời sống, ông Ten còn tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, tháo dỡ hàng rào để làm đường giao thông nông thôn. Ông Ten cho hay: Trước đây, làng chỉ có một trục đường chính, còn đường nhánh đi vào từng khu dân cư không có. Vì vậy, bà con phải băng qua vườn cà phê, hồ tiêu… để ra đường lớn. Thấy bất tiện, nhất là khi mùa mưa, ông vận động các hộ dân tự nguyện mỗi bên lùi vào 2 m để mở rộng thành đường 4 m. Nhờ sự đồng lòng, đến nay, các tuyến đường nhánh liên xóm được mở rộng với tổng chiều dài hơn 2 km, giúp người dân đi lại, giao thương thuận lợi.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Rơ Mah Sơ-Chủ tịch UBND xã Ia Ko-thông tin: Ông Kpuih Ten nắm vững kiến thức pháp luật, có khả năng vận động, thuyết phục và tinh thần trách nhiệm cao với công việc hòa giải. Nhờ vậy, ông đã khéo léo khuyên giải kịp thời, thỏa đáng những mâu thuẫn, tranh chấp trong dân; hạn chế tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Năm 2022, ông được Giám đốc Sở Tư pháp tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022.

TẤN CHI