(Mặt trận) -Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đoàn kết, sát cánh cùng nhau xây dựng quê hương, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự (ANTT) và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Để đạt được những kết quả đó, các già làng, trưởng bản, người có uy tín có vai trò rất quan trọng. Họ chính là nhân tố tạo nên sự đoàn kết, là cầu nối giữa các cấp ủy đảng, chính quyền và bà con nhân dân.
|
Huyện Đakrông tổ chức gặp mặt, biểu dương người có uy tín trên địa bàn |
Già làng, trưởng bản, người có uy tín là những người có vai trò, vị trí quan trọng trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ là những người có khả năng vận dụng phong tục, tập quán để giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội; vận động, khuyến khích bà con đồng bào các dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Huyện miền núi Đakrông có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô sinh sống, trải dài trên 13 xã, thị trấn. Trên địa bàn có 162 người có uy tín là những chức sắc, chức việc trong tôn giáo, già làng, trưởng bản, trong đó có 92 người là người uy tín tiêu biểu trên lĩnh vực an ninh trật tự, chiếm 56,8% tổng số người có uy tín. Với vị trí, điều kiện, phạm vi ảnh hưởng khác nhau, những người có uy tín đều có phẩm chất đạo đức tốt, uy tín cao, có khả năng vận động, tập hợp quần chúng, giáo dục con em chấp hành pháp luật, hương ước, quy ước của cộng đồng; tham gia giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, góp phần xây dựng cuộc sống bình yên, bản làng đầm ấm.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tại các địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín đã chủ động hiến đất để xây dựng trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, trong đó già làng Hồ Lô ở thôn A Rồng Dưới, xã A Ngo, huyện Đakrông là một điển hình.
Ông đã 5 lần tự nguyện hiến đất với tổng diện tích trên 10.000 m2 để xây trụ sở UBND xã, xây cụm cơ động 4 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh, làm đường liên thôn A Đeng - A Ngo, xây trường THCS A Ngo và trụ sở công an xã. Ngoài ra, già làng Hồ Lô còn tích cực vận động, tuyên truyền các hộ dân khác tự nguyện hiến thêm đất cho trụ sở UBND xã được rộng rãi hơn. Từ việc làm của ông, nhiều hộ dân khác trong thôn đã tự nguyện làm theo, hiến đất để xây dựng các công trình công cộng…
Già làng, trưởng bản, người có uy tín đã tích cực giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm trong tham gia giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong Nhân dân; vận động, giáo dục con cháu không vi phạm pháp luật, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình; quản lý, giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng.
Các già làng, trưởng bản, người có uy tín là những nhân tố tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi biên giới. Từ đó, nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân trong việc bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng bản làng bình yên, cuộc sống no ấm ngày càng phát huy. Phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn ANTT thôn xóm”, “Kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới” đã có sức lan tỏa sâu rộng và trở thành hành động tự giác của mọi người dân trên khu vực biên giới.
Bên cạnh công tác đảm bảo ANTT, các già làng, trưởng bản, người có uy tín còn là những người giữ vai trò đầu tàu, gương mẫu trong phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong cộng đồng dân cư. Cùng với việc thực hiện cải tạo đất trống, đồi núi trọc để tăng diện tích cây trồng và tăng thu nhập, họ còn vận động bà con tích cực tăng gia sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt cho năng suất cao.
Giờ đây, khi đặt chân đến các bản làng, dù là ở nơi xa xôi, hẻo lánh nhất, chúng ta đều nhận thấy sự đổi thay rõ nét ở đây. Những ngôi trường được xây dựng khang trang, những con đường bê tông dài tít tắp, các tuyến đường điện được kéo vào từng ngõ xóm. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng được nâng lên. Để đạt được kết quả đáng mừng đó có vai trò và công sức không nhỏ của già làng, trưởng bản, người có uy tín. Họ xứng đáng là những người góp phần giữ bình yên cho các bản làng.
Thành Nam