Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm

(Mặt trận) -Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai phát động đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh từng bước thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, đời sống vật chất và tinh thần từng bước được nâng lên.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Mô hình “Cánh đồng một giống đối với cây lúa” của Ủy ban MTTQ huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) mang lại sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao, góp phần cải thiện đời sống người dân. Nguồn: Ngọc Thu.

Gia Lai là một tỉnh miền núi thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 15.510km2, gồm 44 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số hơn 1,56 triệu người; trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 46,23%. Tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã và 14 huyện), 220 đơn vị hành chính cấp xã (182 xã, 28 phường, thị trấn), 1.576 thôn, làng, tổ dân phố; trong đó có 1 huyện nghèo, 43 xã đặc biệt khó khăn, 7 xã biên giới, 384 thôn, làng đặc biệt khó khăn. Đời sống của đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Theo bà Phạm Thị Lan - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai, những năm qua, MTTQ tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đến các tầng lớp nhân dân thông qua việc ban hành 11.884 cuốn Sổ tay tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động cấp cho cán bộ làm công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh; in panô tuyên truyền về các nội dung của Cuộc vận động treo tại các nhà sinh hoạt cộng đồng; lồng ghép tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động thông qua các buổi họp khu dân cư, tổ tự quản, sinh hoạt các đoàn thể nhân dân, tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề. Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, MTTQ các cấp tỉnh đã trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc nhằm khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của đồng bào DTTS nghèo, kịp thời biểu dương những tấm gương điển hình, người thật, việc thật để hướng dẫn cho đồng bào học tập và làm theo.

Với đặc thù của địa phương, MTTQ tỉnh Gia Lai đã chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào DTTS tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động gắn với việc xây dựng làng nông thôn mới và xây dựng họ làm điểm, làm mẫu trong thực hiện Cuộc vận động để đồng bào DTTS học tập và làm theo. Tiêu biểu ông Ksor Ry (thôn Bôn Sô Ma Lơng, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) đã tích cực phối hợp với cán bộ thôn vận động người dân di dời, sắp xếp trên 60 nhà ở theo vị trí quy hoạch, vận động 74 hộ dân trong làng di dời chuồng bò ra khỏi gầm sàn nhà, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng các công trình được Nhà nước đầu tư. Ông Nay Lưn (xã Chư Ngọc), ông Ksor Plíp (Buôn Dù, xã Ia Mlah, huyện Krông Pa) đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc... Kết quả, đến nay toàn tỉnh có 127 làng đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

5 năm qua, MTTQ các cấp tỉnh Gia Lai đã tập trung khảo sát, xây dựng 713 mô hình với 80.337 hộ tham gia thực hiện và nhân rộng 324 mô hình với 14.238 hộ tham gia thực hiện. Đơn cử như mô hình “Trồng chuối ghép mô”, mô hình “Camera an ninh”, mô hình “Điện thắp sáng” của Ủy ban MTTQ huyện Kbang; mô hình “Cánh đồng một giống đối với cây lúa”, mô hình “Di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn” của Ủy ban MTTQ huyện Phú Thiện; mô hình “Canh tác dưới tán rừng”, mô hình “Nuôi dê, dúi thương phẩm, vườn ươm bời lời” của Ủy ban MTTQ huyện Đak Đoa...

“Kết quả thực hiện Cuộc vận động gắn với các chương trình, các phong trào của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phát động trong 5 năm qua đã giúp trên 10.609 hộ đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo, làm thay đổi diện mạo của nhiều làng đồng bào DTTS, bản sắc văn hóa và các phong tục tập quán tốt đẹp được gìn giữ và phát huy, vệ sinh môi trường ngày càng được cải thiện, an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn khu dân cư cơ bản được giữ vững, góp phần thực hiệu quả công tác giảm nghèo và xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh” - bà Phạm Thị Lan cho hay.

Trung Quân